Thâm Quyến có dân số thường trú 17,68 triệu người nhưng có đến 3,94 triệu đơn vị thực thể kinh doanh, 535 công ty niêm yết trong và ngoài nước, 10 công ty thuộc top 500 thế giới và 18.600 doanh nghiệp công nghệ cao quốc gia. Trong số các doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500 (danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune) có những cái tên công nghệ cao rất quen thuộc như Huawei, Tencent hay BYD.
Trong vài thập kỷ qua, Thâm Quyến đã trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là trung tâm đổi mới công nghệ của Trung Quốc và đã trở thành một trong những trung tâm đổi mới công nghệ quan trọng trên toàn cầu.
Ông Trương Trợ Nhân, Phó chủ tịch Hội Xúc tiến hợp tác đổi mới sáng tạo doanh nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến, Trưởng đại diện tại Việt Nam cho biết, để đạt được những thành quả như vậy, Thâm Quyến đã thực thi hàng loạt những chiến lược dài hơi, đặc biệt là các chính sách về nhân tài.
Đầu tiên là kiên trì ưu tiên phát triển giáo dục. Thành phố nhanh chóng xây dựng các trường đại học chất lượng cao; tối ưu hóa cơ cấu các ngành học, chuyên ngành tại các trường đại học, tập trung xây dựng các ngành mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, vi mạch tích hợp, sản xuất tiên tiến, sức khỏe, năng lượng mới, vật liệu mới; đẩy mạnh đưa các công nghệ gốc trong nước vào chương trình giảng dạy.
Tiếp theo là thực hiện chính sách nhân tài theo hướng “3 hơn”: Tích cực hơn, Mở cửa hơn, và Hiệu quả hơn. Chính sách này kiên trì nguyên tắc “5 không”: Không giới hạn địa lý khi tuyển dụng nhân tài; không phân biệt xuất thân khi đào tạo nhân tài; không nhất thiết sở hữu để phát triển nhân tài; không gò bó hình thức khi sử dụng nhân tài; và không nề hà khó khăn khi phục vụ nhân tài.
Thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống phục vụ nhân tài toàn diện, nỗ lực mang đến cho nhân tài một môi trường “thủ tục đơn giản, sự nghiệp ổn định, di chuyển thuận tiện, an cư lạc nghiệp, cuộc sống đầy đủ”.
Tại Thâm Quyến, nhân tài sẽ được hưởng mọi ưu đãi, thỏa sức theo đuổi ước mơ, phát huy tài năng và cùng nhau tỏa sáng.
Ông Nhân đánh giá cao lợi thế chi phí nhân công và các chính sách hỗ trợ về bán dẫn và công nghệ cao của Việt Nam. Ông đề xuất một sự hợp tác chặt chẽ về lĩnh vực này giữa 2 nước. Theo ông, hai nước có thể phát triển chuỗi cung ứng một cách đồng bộ. Trung Quốc có ưu thế về sản xuất và đóng gói, thử nghiệm bán dẫn, trong khi Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công và chính sách hỗ trợ. Hai bên có thể tận dụng thế mạnh của nhau, phân công hợp tác trong các khâu khác nhau của chuỗi cung ứng bán dẫn, tạo nên sự bổ sung cho nhau.
Ông cũng đề xuất thực hiện nghiên cứu phát triển chung. Thành lập trung tâm nghiên cứu chung, tiến hành nghiên cứu chung về thiết kế chip, vật liệu, thiết bị, thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả hai bên trong ngành bán dẫn toàn cầu.
Tiếp theo là xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc, hình thành cụm công nghiệp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó Trung Quốc sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực. Trung Quốc có thể cung cấp các chương trình đào tạo kỹ thuật cho Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.
Ông đề xuất hợp tác xây dựng các phòng thí nghiệm chung trong những lĩnh vực thế mạnh, tiến hành nghiên cứu tiên tiến và đào tạo nhân tài khoa học. Cùng nhau xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến, chia sẻ tài nguyên khóa học chất lượng cao và mở rộng phạm vi tiếp cận giáo dục.
Bên cạnh đó là liên kết đào tạo nghiên cứu sinh/nghiên cứu sau tiến sĩ. Các trường đại học khoa học và kỹ thuật xuất sắc hàng đầu ở cả hai quốc gia cùng nhau thiết lập các chương trình đào tạo liên kết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích giảng viên các trường đại học của hai quốc gia đến thăm nhau, thực hiện các bài giảng ngắn hạn và hợp tác nghiên cứu, nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy. Cung cấp nhiều cơ hội trao đổi sinh viên hơn, mở rộng tầm nhìn quốc tế của sinh viên và thúc đẩy trao đổi văn hóa.
“Tôi mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao, cùng nhau xây dựng một đỉnh cao mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, ông Nhân nhấn mạnh.