Chi tiết

Chiến lược nguồn vốn của ACB

bieu do T7
Cơ cấu tín dụng của ACB

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của ACB và chia sẻ cùng các chuyên viên chứng khoán, trong quý III, ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng 1%. Tại cuối tháng 6/2024, ACB đã đạt tăng trưởng tín dụng hơn 12,8%. Do đó, lũy kế 9 tháng, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 13,8%, cao hơn so với tăng trưởng của ngành 9%.

Tăng trưởng tín dụng chậm lại

Ngay từ đầu năm, ACB đã xác nhận động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ khách hàng doanh nghiệp (KHDN) và cả FDI. ACB hướng đến không mở rộng cho vay mạnh ở mảng bất động sản như một số ngân hàng trong nhóm tương đương vị thế (VPB, TCB, MBS). Việc cho vay KHDN với mức tăng trưởng 15% (đặc biệt KHDN lớn tăng trưởng 51% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm 8% danh mục cho vay.

ACB cho biết, việc tăng trưởng tín dụng thấp trong quý III là do ngân hàng chủ động tăng trưởng chậm lại để tái cơ cấu danh mục, đồng thời tập trung xử lý nợ xấu. Theo đó, tại quý III, ACB thu được 4.844 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lãi trước thuế của ACB đạt 15.334 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch năm.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ của ACB tăng nhẹ từ mức 1,22% đầu năm lên 1,51%. KBSV cho rằng nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu của ACB đã tạo đỉnh và đang có dấu hiệu giảm dần về cuối quý III, đầu quý IV với tỷ lệ nợ xấu quý 3 tăng 2%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) cải thiện so với quý trước trong khi áp lực trích lập giảm dần trong 2 quý gần đây.

Những tiến triển tích cực

Trong nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản, tái cơ cấu danh mục cho vay và xử lý nợ xấu, ACB cho thấy những tiến triển tích cực và riêng biệt.

Thứ nhất, các khoản nợ cơ cấu và nợ hỗ trợ khách hàng của ACB theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã giảm 39% so với đầu năm nay, còn khoảng 1.300 tỷ đồng (chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ). Quy mô nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi khoảng 2.000 tỷ đồng (khoảng 0,5% tổng dư nợ) do thị trường của ngân hàng chủ yếu tập trung ở miền Nam.

Nhìn chung cả 2 khoản nợ cơ cấu và hỗ trợ khách hàng của ACB đều ở mức thấp và không ảnh hưởng dài hạn đến lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có thể giảm biên lợi nhuận trong ngắn hạn do các chương trình hỗ trợ lãi suất, đồng thời nỗ lực giữ lãi suất thấp để đẩy mạnh cho vay.

Thứ hai, ngay từ đầu, ACB đã giảm thiểu về đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản. Bên cạnh đó, trái ngược với năm 2023 có tới 94% dư nợ đến từ mảng khách hàng bán lẻ và động lực khách hàng cá nhân (nhóm bán lẻ và cho vay tiêu dùng bất động sản gặp khó khăn về khả năng trả nợ khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao ở các nhà băng đẩy mạnh bán lẻ trong bối cảnh bất động sản trầm lắng), thay đổi trong danh mục cho vay giúp ngân hàng có thêm dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Khả năng cho vay kín room

Được biết, ACB được NHNN cấp hạn mức mới là 18,4%; tức ngân hàng còn 4,6% trong quý IV để đẩy mạnh dư nợ. Việc ACB có thể chủ động điều chỉnh nhịp tăng dư nợ, kể cả trong thời điểm hệ thống cho vay vào thấp điểm, thì khả năng cho vay kín room của ACB được đánh giá là hoàn toàn trong tầm tay.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng cao ở năm nay và năm sau, ACB đã và đang thực hiện kế hoạch sử dụng công cụ nợ tối đa, dự kiến huy động kỷ lục 45.000 tỷ đồng trái phiếu. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến đầu tháng 10/2024, ACB đã phát hành thành công 12 lô trái phiếu ra thị trường trong năm nay với tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 18.900 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023. Theo đó, ACB đang là ngân hàng có nợ trái phiếu lớn nhất thị trường. Điều này được cho giúp ACB củng cố thêm nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay trong thời gian tới.

Theo đánh giá của KBSV, NIM của ACB có thể sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang trong quý IV. Năm 2025, Ban lãnh đạo ACB cho biết sẽ cân đối đầu ra và đầu vào để duy trì tỷ lệ NIM trong bối cảnh lãi suất cho vay khó tăng mạnh, lãi suất điều hành ở mặt bằng cao hơn. ACB tích cực phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất ưu đãi (4 – 6%) giúp đa đạng nguồn huy động cũng như quản trị được chi phí vốn.

Ngoài ra, việc sở hữu chi phí vốn thấp cũng giúp ACB chủ động hơn trong việc thu hút khách hàng mới thông qua các gói vay ưu đãi, nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện NIM. Với quan điểm kinh doanh nhất quán, SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng sẽ duy trì ổn định với ROE trên 20% trong trung và dài hạn.

4.844 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế quý III/2024 của ACB, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.


Source link