Chi tiết

Chiến thắng của ông Trump tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu

Chiến thắng của ông Donald Trump lập tức khiến chứng khoán, tiền số hưng phấn nhưng giới chuyên gia nói kinh tế toàn cầu còn thách thức trong trung hạn.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống với viễn cảnh về một chính quyền mới ưu tiên giảm thuế cho doanh nghiệp đã nhanh chóng mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1% trước phiên chính thức ngày 6/11, trong khi Russell 2000 – chỉ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ – dự kiến tăng hơn 2%. Các doanh nghiệp nhỏ có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp mà ông Trump hứa hẹn.

Tại châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch ngày 6/11 tăng 2,61%, nhờ triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường châu Âu cũng khởi đầu ngày trong sắc xanh. Tại Paris, chỉ số CAC 40 tăng 1,75% vào đầu phiên, còn các sàn London và Frankfurt tăng lần lượt 0,9% và 0,8%.

“Các thị trường châu Âu đang bị cuốn theo niềm hưng phấn của chứng khoán Mỹ”, Mabrouk Chetouane, Giám đốc chiến lược thị trường quốc tế tại công ty quản lý tài sản Natixis IM (Pháp), nhận xét. Diễn biến này trái ngược với lúc Trump đắc cử lần đầu năm 2016. Khi ấy, giới đầu tư bất ngờ và phản ứng tiêu cực, khiến chứng khoán Á – Âu lao dốc, trước khi Phố Wall mở cửa, đưa thị trường ổn định lại.

Người ủng hộ Trump tại Trung tâm Hội nghị West Palm Beach, Florida, ăn mừng khi Fox News tuyên bố ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: AFP

Người ủng hộ Trump tại Trung tâm Hội nghị West Palm Beach, Florida, ăn mừng khi Fox News tuyên bố ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: AFP

Lần này, kết quả nhanh chóng và quy mô chiến thắng rõ ràng của Trump, cùng viễn cảnh về đảng Cộng hòa nắm giữ Thượng viện, lập tức mang lại lợi ích cho các thị trường chứng khoán, bắt đầu từ sàn giao dịch Mỹ.

Samy Chaar, Kinh tế trưởng tổ chức tài chính Lombard Odier (Thụy Sĩ), nói bản sắc của Trump là làm mọi thứ trong khả năng để có lợi cho Mỹ, bất lợi nước khác. “Do đó, chứng khoán Mỹ đang ở vị thế rất tốt. Chứng khoán châu Âu phụ thuộc vào đảng nào nắm đa số Hạ viện để hạn chế bản sắc Trump này”, ông nhận định.

Tác động đáng chú ý khác từ cuộc bầu cử là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 4,4%, mức cao nhất kể từ tháng 5. Nicolas Bickel, Giám đốc đầu tư tại tập đoàn tài chính và quản lý tài sản Edmond de Rothschild (Thụy Sĩ), dự báo biện pháp giảm thuế doanh nghiệp, nâng thuế quan và siết nhập cư bất hợp pháp có thể tác động đến chi phí lao động, thúc đẩy giá cả tăng và đẩy lợi suất trái phiếu lên 4,5%.

Chiến thắng của Trump cũng mang lại niềm vui cho các nhà giao dịch trên thị trường tiền số mà ông đã ủng hộ mạnh mẽ trong chiến dịch. Bitcoin ngày 6/11 đã lập kỷ lục mới trên 75.300 USD.

Tuy nhiên, niềm vui của giới đầu tư có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Reuters cho rằng nếu ông Trump chỉ thực hiện một phần các cam kết lúc tranh cử – tăng thuế thương mại, nới lỏng quy định, khoan dầu nhiều hơn và yêu cầu nhiều hơn từ các đối tác NATO – áp lực lên tài chính chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới.

Đảng Cộng hòa cũng giành được quyền kiểm soát Thượng viện và đang chiếm ưu thế ở Hạ viện. Điều này có thể giúp tổng thống dễ dàng thực hiện các đề xuất của mình và thúc đẩy các quyết định bổ nhiệm quan trọng.

Erik Nielsen, Cố vấn Kinh tế Trưởng của UniCredit, cho rằng những cam kết tài khóa của ông Trump rất đáng lo ngại với nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. “Chúng sẽ mở rộng đáng kể thâm hụt đang quá mức, đồng thời đe dọa và làm suy yếu các tổ chức chủ chốt”, ông nhận định.

Mabrouk Chetouane của Natixis IM nói có nghịch lý cơ bản trong chương trình nghị sự của Trump là ông muốn chống lạm phát và khôi phục tăng trưởng nhưng tất cả chính sách đề ra lại có tác dụng ngược. “Chúng có thể làm tăng áp lực lạm phát và cản trở tăng trưởng. Vì vậy, hãy cẩn trọng với những tác động trung hạn, có thể là tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ”, ông nói.

Thuế quan, bao gồm 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 60% với sản phẩm đến từ Trung Quốc, là một phần quan trọng trong chính sách của Trump. Chúng được cho là làm cản trở thương mại toàn cầu, giảm tăng trưởng của các nhà xuất khẩu và làm suy giảm tài chính công của các bên liên quan.

Các chính phủ cũng có khả năng trả đũa bất kỳ thuế nhập khẩu nào của Mỹ, cản trở thêm thương mại và gây ra suy giảm sâu hơn đối với tăng trưởng toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng tăng trưởng toàn cầu đang yếu. Một tác động bất lợi thêm đến thương mại thế giới có thể tạo ra nguy cơ suy giảm đối với dự báo tăng trưởng GDP 3,2% cho năm tới của tổ chức này.

Các doanh nghiệp thường chuyển chi phí nhập khẩu cho người tiêu dùng. Vì vậy thuế quan có khả năng làm tăng lạm phát cho người tiêu dùng Mỹ, buộc Cục dự trữ liên bang (Fed) phải giữ lãi suất cao lâu hơn hoặc thậm chí đảo ngược và tăng chi phí vay một lần nữa.

Điều này sẽ càng có khả năng xảy ra nếu Trump giữ đúng cam kết chi tiêu và thuế đã nêu – điều có thể làm tăng nợ công của Mỹ lên 7.750 tỷ USD đến năm 2035 – theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm. “Lạm phát cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu trong nước, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng”, Anis Bensaidani của BNP Paribas nói.

Với các thị trường mới nổi dựa vào nguồn vốn bằng USD, kết hợp các chính sách như vậy sẽ khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, giáng một đòn kép vào tổn thất xuất khẩu. Là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc rất cần phục hồi tăng trưởng, nên có thể tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm bị Mỹ ngăn cản và đổ hàng hóa ra các nơi khác, đặc biệt là châu Âu.

Các ngân hàng trung ương có khả năng sẽ phản ứng khi tâm lý kinh doanh suy yếu nhanh chóng. “Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tăng tốc cắt giảm lãi suất xuống mức trung tính 2%. Khi chính sách thuế của Mỹ rõ ràng hơn, việc cắt giảm lãi suất xuống dưới mức này sẽ hợp lý”, Greg Fuzesi, chuyên gia của JP Morgan nói.

Lãi suất Fed cao và chi phí vay mượn thấp hơn ở nơi khác cũng sẽ làm tăng giá trị đồng USD, gây thêm khó khăn cho các thị trường mới nổi vì hơn 60% nợ quốc tế được tính bằng USD. Mexico có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những phát ngôn của Trump về việc đóng cửa biên giới, diễn ra trong bối cảnh triển vọng trong nước đã xấu đi.

“Mexico là nước có nguy cơ cao nhất”, Jon Harrison, Giám đốc phụ trách chiến lược kinh tế vĩ mô cho các thị trường Mới nổi tại công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư quốc tế TS Lombard (Anh), nói. Nước này dễ tổn thương vì căng thẳng thương mại và các mối đe dọa trục xuất người nhập cư bất hợp pháp có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề bạo lực trong nước.

Ngược lại, trong số các quốc gia có thể hưởng lợi, Brazil khả năng thắt chặt giao thương với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã thay toàn bộ lượng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ bằng nguồn cung Brazil khi căng thẳng thương mại bùng nổ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.

Nicolas Forest, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Candriam (trụ sở tại Brussels, Bỉ) cho rằng về trung hạn, chiến thắng của Trump đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời và thế giới có thể bước vào viễn cảnh chưa nghĩ tới. “Còn phải xem liệu ông ấy có thực sự thực hiện những gì đã nói hay không”, ông bình luận.

Phiên An (theo Le Monde, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/chien-thang-cua-ong-trump-tac-dong-the-nao-den-kinh-te-toan-cau-4812995.html