Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trình phương án chuyển giao bắt buộc với hai ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12.
Yêu cầu này được đề cập tại Nghị quyết 233 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) là hai ngân hàng yếu kém còn lại chưa có phương án xử lý sau gần chục năm tự tái cơ cấu.
Giữa tháng 10, hai nhà băng 0 đồng cùng thời kỳ là CBBank và OceanBank giữa tháng 10 năm nay vừa được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB). Ngoài Vietcombank và MB vừa nhận “nhiệm vụ chính trị”, lãnh đạo hai nhà băng tư nhân VPBank và HDBank cũng từng công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 11/11, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay sẽ xử lý tiếp ngân hàng 0 đồng để ổn định hệ thống. GPBank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015. Còn DongABank là nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Cũng tại nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) – nhà băng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Ngân hàng Nhà nước từng cho biết khó khăn trong việc cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém là việc tìm kiếm ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao. Việc này kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài, theo Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh việc thúc đốc tiến độ với các nhà băng yếu kém, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Cơ quan này được giao cùng các cơ quan điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tín dụng cần kịp thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm.
Quỳnh Trang
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chinh-phu-yeu-cau-som-co-phuong-an-xu-ly-voi-scb-4827126.html