Bên cạnh sự quan tâm dành cho người đắc cử tổng thống, thị trường đang đổ dồn vào kết quả cuộc họp chính sách dự kiến kết thúc ngày 7/11. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell được dự báo sẽ nhận hàng loạt câu hỏi về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể tác động thế nào tới tăng trưởng, lạm phát và lãi suất.
Ông Trump được các hãng truyền thông dự báo đắc cử tổng thống với chiến thắng áp đảo ngày 6/11, một kết quả tạo nên một cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu.
FED SẼ GIẢM NHỊP ĐỘ HẠ LÃI SUẤT?
Theo hãng tin Bloomberg, ông Powell có thể sẽ phải cần trấn an các nhà đầu tư toàn cầu rằng Fed quản lý được tác động từ một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, có thể đi kèm với việc đảng Cộng hòa giành được đa số ghế ở cả hai viện Quốc hội.
Theo chương trình nghị sự trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong đó riêng hàng Trung Quốc bị áp 60%, đồng thời giảm nhiều loại thuế từ lợi nhuận doanh nghiệp cho tới tiền lương làm quá giờ. Đây là những chính sách có thể đẩy lạm phát tăng cao. Trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Trump từng muốn thay đổi lãnh đạo Fed và cho rằng mình có quyền quyết định lãi suất.
Trong ngày 5/11, dù chưa có kết quả bầu cử, thị trường dường như đặt cược mạnh vào khả năng ông Trump giành chiến thắng khi số lượng giao dịch Trump (Trump trade) tăng mạnh với kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế mạnh hơn nhưng lạm phát cũng cao hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài tăng gần 0,2 điểm phần trăm, thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới, trong khi giá USD cũng tăng vọt.
Các nhà kinh tế Phố Wall dự báo Fed sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với dự báo trước bầu cử do ảnh hưởng bởi các chính sách của ông Trump. JPMorgan Chase & Co. hiện vẫn dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này và thêm một lần nữa vào tháng sau, nhưng cũng nhận định cơ quan này sẽ giãn tiến độ giảm lãi suất tại các cuộc họp sau đó.
“Cuộc họp ngày 7/11 tuần này có thể không ảnh hưởng gì, trong khi cuộc họp tháng 12 có thể ảnh hưởng chút ít. Nhưng sau đó, mọi thứ mới bắt đầu thú vị”, ông Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của JPMorgan, nhận định trong một cuộc phỏng vấn. “Fed không thể biết trước những chính sách đề xuất nào của ông Trump sẽ được ban hành và theo thứ tự ra sao. Chỉ riêng điều này cũng có thể khiến các quan chức Fed phải hành động thận trong hơn. Khi đối mặt nhiều yếu tố điều bất định hơn, họ sẽ phải đi chậm hơn”.
NHỮNG RỦI RO HOÀN TOÀN MỚI XUẤT HIỆN
Trước bầu cử, kinh tế Mỹ đang trên đà hạ cánh mềm. Lạm phát đang dần hạ về mức mục tiêu 2% của Fed mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh dù thị trường việc làm có dấu hiệu yếu đi. Tuy nhiên, giờ đây, một loạt rủi ro hoàn toàn mới đã xuất hiện.
Việc tăng thuế quan với hàng nhập khẩu sẽ làm tăng giá cả hàng hóa tại Mỹ, còn việc giảm thuế sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Cả hai điều này đều được các nhà kinh tế xem là nhân tố thổi bùng lạm phát.
Theo các nhà phân tích, ông Trump có thể thực thi chính sách giảm thuế dễ dàng hơn nếu đảng Cộng hòa của ông giành được quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện – một khả năng tương đối cao dựa trên kết quả bầu cử tới thời điểm hiện tại. Ông hứa sẽ gia hạn các chính sách giảm thuế mà ông đã hành trong nhiệm kỳ trước đây của mình. Các chính sách này dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Ông cũng hứa sẽ giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về nhập cư, ông Trump muốn thực hiện chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Động thái này có thể khiến thị trường lao động thắt chặt, lương tăng và từ đó đẩy lạm phát tăng.
Về năng lượng, ông cam kết cắt giảm các quy định đối với ngành dầu mỏ, khí đốt và sản xuất than đá, đồng thời giải phóng nhiều không gian hơn cho hoạt động sản xuất nguyên liệu hóa thạch.
Trong một báo cáo gần đây, Nomura Holdings dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm vào năm 2025 dưới chính quyền Trump. Ngân hàng này hiện dự báo Fed sẽ chỉ giảm lãi suất một lần vào năm sau, so với dự báo 4 lần trước bầu cử.
“Chúng tôi cho rằng ông Trump sẽ thực hiện các đề xuất trong chiến dịch tranh cử, như tăng thuế quan. Điều này sẽ dẫn tới lạm phát tăng lên trong ngắn hạn và tăng trưởng chậm lại một chút”, các nhà kinh tế của Nomura viết trong một báo cáo ngày 6/11.
Sau khi tăng lãi suất lên mức cao nhất 20 năm vào năm ngoái, quyết định bắt đầu hạ lãi suất hồi tháng 9 của Fed được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đã qua. Tuy nhiên, với nhiều cử tri Mỹ, sự nhức nhối do chi phí sinh hoạt tăng lên vẫn còn. Các cuộc thăm dò ý kiến khi cử tri rời phòng bầu cử (exit poll) tại một số bang chủ chốt của hãng tin NBC cho thấy 22% cử tri Mỹ nói rằng lạm phát đã khiến họ “gặp khó khăn trầm trọng” và 53% gặp “khó khăn ở mức vừa phải” trong năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, những kinh nghiệm từ lạm phát hậu Covid đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed nhạy cảm hơn với sự tăng lên của giá cả và triển vọng bất định trong tương lai. Bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ lạm phát leo thang trở lại cũng có thể khiến Fed giảm nhịp độ hạ lãi suất hoặc dừng hẳn việc này. Điều này đồng nghĩa lãi suất sẽ không giảm xuống mức thấp như các dự báo trước đây.
Tất những điều này đồng nghĩa các cuộc họp của Fed có thể sẽ càng trở nên khó đoán hơn nhiều. Sau lần hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm hồi tháng 9, các nhà kinh tế và nhà đầu tư hiện dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp ngày 7/11, xuống ngưỡng 4,5-4,75%.
Fed dự kiến công bố kết quả cuộc họp vào khoảng 14h00 (giờ Mỹ) và ông Powell sẽ phát biểu tại họp báo khoảng 30 phút sau đó. Chủ tịch Fed có thể sẽ cố tỏ ra “phi chính trị” nhất có thể nhưng với kết quả cuộc bầu cử và khả năng các chính sách của ông Trump sẽ làm thay đổi triển vọng kinh tế và lạm phát Mỹ, giới đầu tư sẽ cảnh giác cao độ để tìm các manh mối về định hướng sắp tới của Fed – theo nhận định của Bloomberg Economics.
“MỘT CƠ QUAN PHI CHÍNH TRỊ”
Cũng giống hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới, Fed luôn cố gắng hoạt động mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Ông Powell nhiều lần nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Fed là “phản ứng và ứng phó với nền kinh tế” chứ không phải hành động trước dựa trên những đề xuất chính sách còn chưa được thực hiện.
“Chúng tôi là một cơ quan phi chính trị”, ông Powell phát biểu hồi đầu năm nay. “Chúng tôi không muốn liên quan tới các vấn đề chính trị theo bất kỳ cách nào”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng chắc chắn sẽ định hình lại môi trường kinh tế mà Fed phải ứng phó và phản ứng.
Theo các nhà kinh tế, ngoài tác động tới lạm phát, các chính sách của ông Trump có thể khiến ngân sách Mỹ thâm hụt sâu hơn và đồng USD mạnh lên. Mỹ dự toán thâm hụt tài khóa khoảng 6,5% GDP trong năm nay, góp phần đẩy tỷ lệ nợ so với GDP sát ngưỡng 100%.
Bloomberg Economics dự báo cáo đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp của ông Trump sẽ nâng tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ lên mức 116% vào năm 2028. Kịch bản triển khai tối đa các đề xuất của ông sẽ đẩy giá hàng hóa tăng 0,5-4,3 điểm phần trăm trong cùng giai đoạn, tùy thuộc vào việc các đối tác thương mại của Mỹ đáp trả ra sao.