Chính sách ngân hàng năm 2024 (Kỳ 1): Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Nổi bật nhất trong năm 2024 có lẽ là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo, ổn định.
Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm XV Chương với 210 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Khoản 5 Điều 15 Luật nghiêm cấm hành vi “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Nhằm tương thích với Luật Các TCTD có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, quy định phạt tiền từ 400-500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ
Điều 49 của Luật Các TCTD 2024 quy định mới về nghĩa vụ cung cấp thông tin của cổ đông của TCTD.
Theo đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin, cung cấp cho TCTD các thông tin gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; thông tin về người có liên quan; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại TCTD đó; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại TCTD đó.
TCTD phải niêm yết, lưu giữ thông tin của các cổ đông này tại trụ sở chính của TCTD và gửi báo cáo cho NHNN.
Định kỳ hàng năm, TCTD công bố thông tin này với ĐHĐCĐ, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của TCTD.
Bên cạnh đó, TCTD phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD và thông tin số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của TCTD trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày TCTD nhận được thông tin cung cấp.
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong các TCTD
Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD.
Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD.
Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.
Đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ so với quy định mới, kể từ ngày Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định mới được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Can thiệp sớm các TCTD yếu kém
Luật bổ sung 1 chương quy định dành cho việc can thiệp sớm các TCTD. Quy định mới sửa đổi, bổ sung thêm 1 trường hợp phải thực hiện can thiệp sớm. Đồng thời, quy định những yêu cầu, phương án cụ thể cho các TCTD áp dụng trong thời kỳ bị can thiệp. Quy định này hy vọng sẽ góp phần ổn định hoạt động của các TCTD nói riêng và cơ cấu TCTD nói chung.
Đây cũng là công cụ hỗ trợ cho NHNN và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý các TCTD cũng như thị trường tài chính. Tuy nhiên, các cơ quan, ban, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nội dung này để sớm thực thi các cơ chế, quy định này trong thực tế.
Giảm dần giới hạn cấp tín dụng
Theo Khoản 1, Điều 136 Luật Các TCTD (sửa đổi), tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô sẽ giảm dần từ 23% vốn tự có xuống còn 15%, từ ngày 01/01/2029 (bao gồm cả tín dụng lẫn trái phiếu).
Cụ thể, Luật quy định, từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến trước 01/01/2026, tổng dư nợ mà các ngân hàng thương mại có thể cấp cho một khách hàng là 14% vốn tự có và là 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027, giới hạn cấp tín dụng sẽ còn 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028, tổng mức dư nợ cấp tín dụng mà các tổ chức tín dụng có thể cấp cho một khách hàng là 12% vốn tự có và đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó là 19% vốn tự có.
Từ ngày 01/01/2028 đến trước 01/01/2029, mức giới hạn này giảm còn 11% và 17%.
Từ ngày 01/01/2029, tiếp tục giảm còn 10% và 15%.
Mức giới hạn tín dụng của tổ chức phi ngân hàng cũng giảm so với trước đây. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng (trước đây là 25%); đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng (trước đây là 50%).
Đón đọc kỳ 2: Xác thực sinh trắc học và quy định an toàn bảo mật