Chi tiết

Chờ đích đến của các ngân hàng chuyển giao bắt buộc tiếp theo

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2024, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình trước ngày 20 tháng 12 năm 2024 phương án chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng kiểm soát đặt biệt còn lại (Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng TMCP Đông Á); sớm thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa.

dab.jpg
gân hàng Nhà nước phải khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12

Với vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém trong hệ thống, thời gian qua, trong 4 ngân hàng đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), một ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank), thì có 2 tổ chức đã có bước tiến xử lý mới. Cụ thể giữa giữa tháng 10, CBBank và OceanBank được chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB).

Tại lễ bàn giao 2 ngân hàng này vào ngày 17/10/2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sau CB và Oceanbank, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao một ngân hàng nữa trong thời gian tới và một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là DongA Bank đang triển khai lộ trình, còn SCB thì duy trì ổn định.

Như vậy theo yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12, tức chỉ còn một tuần nữa để có quyết định về “đích đến” cụ thể của 2 ngân hàng này; cũng như có một bước tiến kế tiếp đối với SCB.

Trong 2 ngân hàng được Chính phủ giao nhiệm vụ xử lý cụ thể, GPBank là nhà băng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015; Còn DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt từ 14/8/2015. Gần nhất, vào tháng 10/2019 DongA Bank từng tổ chức Đại hội cổ đông bất thường trình cổ đông với nội dung về tờ trình xin tăng vốn, nhưng phương án theo tờ trình đã không được thông qua.

Riêng ngân hàng NHTMCP Sài Gòn – SCB đã bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào tháng 10/2022.

Trên thị trường, các ngân hàng có kế hoạch nhận ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, ngoại trừ Vietcombank đã nhận CB và MB đã nhận Ocean Bank, hiện còn có VPBank và HDBank

Hai ngân hàng VPBank và HDBank từng xin chủ trương về M&A và nhắc nội dung chuyển giao bắt buộc một ngân hàng khác tại các ĐHĐCĐ gần nhất. Trong nhiều báo cáo của các định chế tài chính, 2 ngân hàng này cũng được nhắc đến như đại diện của nhóm có lợi thế về việc được xem xét nới room tăng trưởng tín dụng lớn nhờ kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trong hệ thống.

Ở một diễn biến mới nhất liên quan đến một trong 2 ngân hàng này, Hội đồng Quản trị HDBank mới đây đã công bố chương trình họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào 8h30 ngày 8/1/2025 theo hình thức trực tuyến. Theo đó, đại hội áp dụng bỏ phiếu điện tử để lấy ý kiến của các cổ đông tham gia.

Nội dung đại hội sẽ thảo luận và thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm ông Nguyễn Hữu Đặng – Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời sẽ trình đại hội các nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội (nếu có). Đáng chú ý, trước đó, ngày 11/12, ngân hàng HDBank đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Hữu Đặng với lý do để tham gia một tổ chức tín dụng khác.

Ông Nguyễn Hữu Đặng được biết đã có 25 năm công tác tại HDBank và từng đảm nhiệm qua tại nhiều vị trí khác nhau từ phụ trách kinh doanh tới Phó Tổng Giám đốc. Ông Đặng được bổ nhiệm Tổng giám đốc HDBank từ năm 2010 đến tháng 3/2020. Từ tháng 3/2020 đến nay ông là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank. Quá trình gắn bó và cống hiến của ông Nguyễn Hữu Đặng với HDBank, đi cùng lý do từ nhiệm khỏi HĐQT HDBank để tham gia một tổ chức tín dụng khác, khiến thị trường kỳ vọng có thể có nội dung hoặc chuyển biến liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc một trong hai TCTD diện kiểm soát đặc biệt.

Ngoài GP Bank và DongA Bank, trường hợp của SCB đang được đốc thúc hoàn thiện phương án xử lý, theo các chuyên gia, sẽ cần thêm thời gian và điều kiện mở để có thể thu hút thêm nguồn lực đầu tư, tham gia tái cấu trúc. Trong đó, việc hệ thống có thêm nhiều thương vụ chuyển giao không chỉ đảm bảo tiến độ của đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tăng cường lành mạnh hóa hệ thống, còn là cơ sở để SCB có triển vọng đột phá.


Source link