Phiên giao dịch cuối tuần 12-7, VN-Index giảm nhẹ hơn 3 điểm nhưng vẫn giữ được mốc 1.280 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch đều duy trì ở mức thấp cho thấy dòng tiền trên thị trường chưa thực sự mạnh. Tuy vậy, theo các chuyên gia tham dự talkshow chứng khoán chủ đề “Chọn cổ phiếu đón sóng kết quả kinh doanh quý II” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều cùng ngày, thị trường ở điểm hiện tại vẫn có nhiều cơ hội khi các nhóm, các dòng cổ phiếu thay nhau bứt phá.
Lợi nhuận doanh nghiệp khởi sắc
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank, cho biết nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới như Mỹ, Nhật… đã liên tục lập đỉnh lịch sử, đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư trong nước rằng VN-Index sẽ sớm vượt 1.300 điểm.
Trong nước cũng có nhiều yếu tố tích cực như: kinh tế quý II và nửa đầu năm tăng trưởng tốt; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào nền kinh tế tiếp tục khả quan; các tổ chức tài chính quốc tế cũng thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) các ngành sản xuất của Việt Nam liên tục duy trì trên mốc 50 điểm. Đặc biệt, tỉ giá được kiểm soát, giá vàng nguội bớt khiến sự quan tâm và dòng tiền của các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Ông Lê Tự Quốc Hưng, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng diễn biến của VN-Index thời gian qua đã phản ảnh hết tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết ở quý I/2024. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm ở thời điểm hiện tại là ở các quý tiếp theo, thị trường sẽ chuyển biến như thế nào?
“Ước tính của chúng tôi, lợi nhuận quý II của các DN niêm yết trên sàn HoSE khoảng tăng 13%, giúp định giá P/E của VN-Index tiếp tục giảm xuống mức hấp dẫn. Đây sẽ là cơ sở giúp VN-Index vượt 1.300 điểm” – ông Hưng nói.
Năm 2023, hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu so với nền lợi nhuận thấp của năm ngoái, nhà đầu tư sẽ thấy kết quả kinh doanh quý I, II/2024 của các DN rất khả quan. Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng bộ phận nghiên cứu, Công ty dữ liệu tài chính Wigroup, phân tích năm nay, nhà đầu tư sẽ thấy các DN tăng trưởng rất tốt.
Như ngành thép năm ngoái nhiều DN bị lỗ nhưng hiện tại giá nhiều cổ phiếu ngành này đã tăng mạnh, phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về lợi nhuận của các DN ngành thép trong quý II và nửa cuối năm.
“Nghiên cứu của Wigroup cho thấy mức độ đầu tư mở rộng của DN, nhiều dự án mới đưa vào vận hành, khai thác sẽ tạo ra kết quả kinh doanh ấn tượng trong những quý tới” – ông Nguyên nói.
Tích cực là vậy nhưng theo các chuyên gia, VN-Index vẫn đang có không ít rào cản. Chỉ số USD trên thị trường quốc tế dù hạ nhiệt về vùng 104 điểm nhưng vẫn còn khá cao và chưa xác nhận xu hướng giảm. Vì vậy, USD vẫn gây áp lực lên các tài sản tài chính khác.
Ngoài ra, thanh khoản của thị trường ở mức khá thấp hiện nay cũng là một yếu tố cần chú ý, đặc biệt là áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại từ đầu năm tới nay còn rất lớn. Dù tỉ trọng của khối ngoại hiện nay không quá lớn (tỉ trọng giao dịch chỉ khoảng 5%-7%) nhưng cũng ảnh hưởng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Chọn lọc cổ phiếu
Chia sẻ tại talkshow của Báo Người Lao Động, các chuyên gia nhận định thị trường có thể tiếp tục tích cực, xoay quanh mốc 1.300 điểm trong quý III nhưng với từng ngành, từng cổ phiếu riêng lẻ cơ hội đầu tư là rất lớn. Điều nhà đầu tư cần làm lúc này là chọn lọc cổ phiếu, tìm kiếm cơ hội từ những “siêu cổ phiếu”, chứ không mua cả thị trường và không cần quá chú ý tới biến động của VN-Index.
Với từng nhóm ngành cụ thể, ông Lê Tự Quốc Hưng cho rằng ngân hàng, chứng khoán, thép hay xuất khẩu gỗ sẽ là những ngành có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II, cũng như cơ hội sắp tới.
Ông Phan Dũng Khánh nhận định mua cổ phiếu là kỳ vọng trong tương lai. Có nhiều DN kết quả kinh doanh chưa tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng mạnh, tức đang phản ánh sự kỳ vọng của các nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ tiếp tục triển vọng trong bối cảnh làn sóng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất mạnh mẽ. Ngoài ra, cổ phiếu ngành vận tải gồm cả hàng không và đường biển; nhóm cổ phiếu năng lượng xanh, sạch và tái tạo cũng có triển vọng tốt.
“Ngay nhóm cổ phiếu bất động sản, dù thị trường này đang khó khăn nhưng lại có triển vọng tốt vì giá nhà đất hai năm qua chưa tăng nhiều so với chứng khoán, vàng, ngoại hối. Một loạt chính sách hỗ trợ, các luật sửa đổi có hiệu lực sẽ hỗ trợ cho thị trường nên cổ phiếu bất động sản cũng tiềm năng” – ông Khánh nói.
Thống kê từ dữ liệu phân tích của Wigroup, ông Trương Đắc Nguyên nói rằng chứng khoán, bán lẻ, bất động sản khu công nghệ là những ngành đang có nhiều triển vọng. Đặc biệt, vốn đầu tư FDI tiếp tục chảy mạnh, đầu tư công được đẩy nhanh cùng với những DN có nền tảng tốt sẽ giúp cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp khởi sắc; giá thuê nhà xưởng ở các khu công nghiệp cũng lập đỉnh.
Ứng xử với mốc 1.300 điểm thế nào?
Theo các chuyên gia, khi đầu tư chỉ nên nhìn thị trường chung để xem xu hướng và quyết định giải ngân hợp lý, giảm rủi ro. Ông Lê Tự Quốc Hưng khuyên các nhà đầu tư cần xem xét triển vọng của từng cổ phiếu và nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ông Trương Đắc Nguyên cho rằng thị trường vẫn còn thách thức khi lãi suất tăng, tỉ giá vẫn “nóng” nhưng chứng khoán là kênh đầu tư triển vọng. VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm hay không không quan trọng bằng việc nhìn vào từng DN, còn nhiều cơ hội sàng lọc cổ phiếu tốt.
“Thị trường chung chỉ để tham khảo, nhà đầu tư không mua chỉ số mà mua cổ phiếu. Thị trường đã có rất nhiều “siêu cổ phiếu” trong nửa đầu năm từ nhóm công nghệ, vận tải biển, hóa chất… trong khi VN-Index biến động rất chậm. Vì vậy, phải quan sát được xu hướng của dòng tiền chảy vào nhóm nào; kết quả kinh doanh của DN trong quá khứ chỉ tham khảo mà phải chú ý nhìn vào triển vọng tương lai” – ông Phan Dũng Khánh nói.