Sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ
Thông tin từ văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam về việc tiếp thu, hoàn thiện đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không (CHK) quốc tế Vân Phong.
Theo đó, vị trí sân bay nghiên cứu nằm ở xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh), cách TP. Nha Trang khoảng 65 km về phía Nam, cách CHK quốc tế Cam Ranh khoảng 108 km về phía Nam, cách CHK Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 48 km về phía Bắc. Đường cất hạ cánh trục Đông Bắc – Tây Nam dài 3.050m.
Tổng diện tích đất quy hoạch hơn 497 ha; trong đó, diện tích đất dùng chung gần 413 ha, diện tích đất hàng không dân dụng quản lý hơn 74 ha, diện tích đất quân sự quản lý 10 ha.
Đặc biệt, khu vực dự kiến quy hoạch sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng bảo hộ, rừng ngập mặn, di tích lịch sử; đồng thời, không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, tránh bão, thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình hiện hữu.
CHK quốc tế Vân Phong giai đoạn đầu được xây dựng với quy mô công suất 1,5 triệu hành khách/năm theo tiêu chuẩn thiết kế ICAO cấp 4E và sân bay quân sự cấp I; dự trữ đất để phát triển CHK quốc tế Vân Phong trong tương lai. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 – 2029.
UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất và kiến nghị mô hình xã hội hóa đầu tư theo 3 phương án.
Cụ thể, đối với phương án 1, Nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời, nhà đầu tư PPP đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng CHK.
Theo phương án 2, nhà đầu tư PPP đầu tư một số công trình thiết yếu gồm: xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ tàu bay, hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách Nhà nước (ngân sách địa phương) đầu tư các hạng mục còn lại.
Còn với phương án 3, Nhà nước thực hiện công tác hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng của dự án, đầu tư các công trình đảm bảo hoạt động bay, hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay. Nhà đầu tư PPP đầu tư các hạng mục còn lại.
Trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý, khả thi, hiệu quả và ưu, nhược điểm của các phương án trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất đầu tư theo phương án 3.
Theo đó, Nhà nước sẽ kêu gọi nhà đầu tư PPP xây dựng các công trình khu bay, khu hàng không dân dụng, hệ thống giao thông kết nối (không bao gồm các công trình đảm bảo hoạt động bay) sau khi bàn giao mặt bằng sạch.
Đồng thời, Nhà nước quản lý, khai thác các công trình đảm bảo hoạt động bay; nhà đầu tư PPP quản lý, khai thác các công trình khu bay, khu hàng không dân dụng tại CHK quốc tế Vân Phong.
Cần cơ chế đặc thù riêng cho dự án
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng CHK quốc tế Vân Phong giai đoạn đầu là rất lớn, khoảng 9.214 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).
Do đó, để đảm bảo phần vốn Nhà nước đầu tư từ ngân sách hợp lý, khả thi, hiệu quả theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.
Trong đó, phần vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách địa phương) khoảng 2.150 tỷ đồng (chiếm 23,3%); phần vốn đầu tư khu vực tư nhân khoảng 7.064 tỷ đồng (chiếm 76,7%). Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 44 năm.
Việc này nhằm đảm bảo điều kiện kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP, đảm bảo vai trò nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được phân bổ trên tinh thần tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đóng vai trò là dẫn dắt và thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung quy hoạch theo quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược (đảm bảo phần vốn đầu tư của nhà đầu tư) trong và ngoài nước quan tâm, tham gia nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Vân Phong theo phương thức PPP, đảm bảo phần vốn Nhà nước đầu tư từ ngân sách theo đúng quy định của pháp luật.
CHK quốc tế Vân Phong là dự án tạo không gian phát triển kinh tế cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng.
Cùng với đó, dự án còn góp phần hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch; khai thác có hiệu quả quỹ đất, tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài ra, nếu có thể triển khai dự án theo phương thức PPP, toàn bộ chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện, giúp tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước.
CHK quốc tế Vân Phong hình thành sẽ tạo thuận lợi di chuyển của người dân địa phương, khách du lịch và chuyên gia; thúc đẩy Khu kinh tế Vân Phong sớm trở thành đô thị thông minh, trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp…