Chi tiết

“Chủ đề” nào cho áp lực tỷ giá năm 2025?

Dữ liệu gần nhất tính từ đầu năm đến tháng 9/2024 của ông Trần Ngọc Báu – Tổng Giám đốc CTCP WiGroup cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra ước khoảng 7 tỷ USD. Theo đó, dự trữ ngoại hối còn tương đương 2,8 tuần nhập khẩu, “ngưỡng có phần nhạy cảm” khi thị trường có biến động lớn, ông Trần Ngọc Báu nhận định.

ty-gia-anh-quoc-tuan-enternews-1695390349(1).jpg
Việc thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc chênh lệch lợi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn về Mỹ sẽ là chủ đề chính trong năm sau. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Ở một con số tính toán khác, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng lượng bán ngoại hối ra thị trường từ NHNN khoảng hơn 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối còn khoảng 83 tỷ USD, tương đương đáp ứng được khoảng 2,6 tuần nhập khẩu. Ông Tú Anh cũng cho rằng đây là mức “tiệm cận ngưỡng nhạy cảm” và để giảm bớt rủi ro từ bên ngoài, NHNN cần giữ lãi suất đủ cao để hỗ trợ đồng nội tệ nhưng phải điều chỉnh hợp lý để không làm suy yếu nền kinh tế.

Thống kê của nhà phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC), bà Hà My cũng đưa ra nhận định, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8-10 tỷ USD). Theo nhà phân tích, điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.

Nhận định về diễn biến tỷ giá thời gian qua, theo VDSC, việc cựu Tổng Thống Trump thắng cử đã đẩy chỉ số DXY lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tiền tệ của thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với hai luồng gió ngược là rủi ro tăng trưởng thương mại do thuế quan và lợi suất trái phiếu Hoa Kỳ cao hơn, VDSC giữ quan điểm rủi ro chính quyền Trump áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 dù có thể xảy ra nhưng hiện tại vẫn đang không nằm trong kịch bản cơ sở. Vì vậy, việc thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc chênh lệch lợi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn về Mỹ sẽ là chủ đề chính trong năm sau.

T11 ty gia
Diễn biến tỷ giá USD/VND

Mặc dù cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm vừa qua, tuy nhiên cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng. Theo ước tính của IMF, thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,0% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể như nêu trên.

“Chúng tôi cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung-cầu ngoại tệ. Do đó, trong kịch bản cơ sở (Việt Nam không bị áp thuế quan trong năm 2025), tỷ giá USD/VND trong năm sau có thể biến động trong biên độ +/-5% mà NHNN đang đặt ra.

Nhà phân tích vĩ mô của VDSC cũng nhìn nhận, áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11/2024, tuy nhiên, theo quan sát, NHNN không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn. Vì vậy, lý do thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp trong tháng 11/2024 phần nhiều vẫn là do nhu cầu vốn trong giai đoạn cuối năm.

Tính đến cuối tháng 10/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 9,0% của 9 tháng 2024 và mức thay đổi theo tháng cũng tốt hơn so với cùng kỳ. Theo NHNN, tín dụng bất động sản (BĐS) tính đến cuối tháng 9/2024 đạt 9,2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng chung. Trong đó, tín dụng BĐS tiêu dùng cũng cho thấy sự phục hồi trong quý III, cải thiện từ mức tăng 1,2% so với đầu năm trong 6 tháng 2024 lên 4,6% trong 9 tháng 2024.

Nỗ lực thúc đẩy tín dụng nói chung và tín dụng BĐS tiêu dùng vẫn sẽ dẫn đến các ngân hàng có nhu cầu vốn để đáp ứng, đồng thời chuẩn bị “chạy đà” cho kế hoạch năm sau. Dù vậy, tính mùa vụ của tỷ giá từ nay đến cuối cũng vẫn được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt dần và cân bằng nhờ nhu cầu ngoại tệ thanh khoản ngắn hạn đi xuống; trong khi đó lượng cung ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối, FDI… lại đến “mùa” chảy vào.


Source link