Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, có nhiều ý kiến lo ngại khi tăng lương, giá cả hàng hóa tăng theo; tuy nhiên trong những lần tăng lương gần đây, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kiểm soát thị trường giá cả, hạn chế tối đa tình trạng giá hàng hóa tăng cao khi tăng lương.
Tăng giá để bù chi phí đầu vào
Từ đầu năm đến nay, giá cả thị trường có nhiều biến động. Thời gian gần đây, mặt hàng thịt heo bình ổn thị trường và mặt hàng gạo đều đã điều chỉnh tăng giá theo diễn biến chung của giá thị trường. Các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, nước giải khát, hóa mỹ phẩm cũng tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào, tỉ giá, chi phí vận chuyển quốc tế… tăng cao. Nhóm rau củ, trái cây do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây mất mùa cũng tăng giá.
Một số doanh nghiệp (DN) ngành lương thực – thực phẩm cho biết DN phải tính toán điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng quá cao. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico), cho biết nếu tính đúng, tính đủ, công ty phải tăng giá bán ít nhất 10%-15% mới đủ bù chi phí. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công ty chỉ tăng nhẹ vài phần trăm đối với một số sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, cho biết người tiêu dùng vẫn mua sắm tiết kiệm nên bên cạnh việc điều chỉnh giá tăng 3%-5%, công ty phải có chương trình hỗ trợ nhà phân phối và các đại lý bán hàng thúc đẩy sức mua.
Các hệ thống bán lẻ lớn tại TP HCM cũng xác nhận từ đầu quý II/2024, giá cả hàng hóa có sự biến động nhẹ ở một số nhóm mặt hàng, chủ yếu do tác động của các yếu tố bên ngoài như tỉ giá, chi phí vận hành phía nhà cung ứng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao… “Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên” – đại diện một DN bán lẻ phân tích.
Cần giải pháp tổng thể
Theo các DN, phản ứng thông thường của thị trường là tăng giá theo tăng lương, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Để giải bài toán “tăng lương nhưng không tăng giá” đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ Chính phủ trong điều tiết thị trường, từ việc quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh và giá cả các mặt hàng thiết yếu, có giải pháp để phát triển sản xuất và hạ giá thành sản phẩm… cùng với việc hỗ trợ DN cải thiện năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm.
Trong phạm vi nhỏ hơn, các nhà bán lẻ đã nỗ lực, linh hoạt phối hợp với nhà cung ứng duy trì mức giá ổn định với chất lượng hàng tốt nhất cho người tiêu dùng, luân phiên giảm giá những sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, chất lượng cao đi kèm với mức giá tốt nhất. Đại diện hệ thống Lotte Mart cho hay đơn vị đã phối hợp với các nhà cung ứng tham gia chương trình bình ổn giá thị trường cho các sản phẩm thiết yếu (gạo, trứng…); phối hợp DN cung ứng để triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá tốt nhất cho người tiêu dùng; chủ động nguồn cung ứng với việc gia tăng nhóm sản phẩm nhãn hàng riêng/nhập khẩu trực tiếp từ công ty mẹ với giá thành hợp lý. Chẳng hạn, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra thiết kế chương trình ưu đãi riêng cho từng cấp độ khách hàng thành viên – thành viên cấp càng cao thì mức giảm giá càng đậm. Lotte Mart giảm giá 30%-49%, thậm chí 70%, cho khách hàng thành viên. Vào ngày 9 hằng tháng, khách hàng thành viên sẽ được nhân 5 điểm tích lũy khi mua sắm tại hệ thống Lotte Mart toàn quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart (thuộc Saigon Co.op), cho rằng lương tăng là tin mừng, giúp phần nào cải thiện cuộc sống người dân. “Saigon Co.op có lợi thế hệ thống phân phối lớn, hệ thống trung tâm phân phối ở Đông – Tây Nam Bộ, miền Bắc nên thuận lợi trong việc đàm phán với nhà cung cấp, dự trữ lượng hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng với giá phải chăng. Saigon Co.op phối hợp Sở Công Thương TP HCM thực hiện chủ trương của TP HCM về việc thúc đẩy liên kết vùng, đưa sản phẩm tốt, nổi bật của các vùng miền đến người tiêu dùng cả nước” – ông Thắng nói.
Ở góc độ quản lý ngành công thương địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, tự tin thành phố đã có rất nhiều kinh nghiệm qua những lần điều chỉnh, tăng lương trước đây. Tình trạng giá cả tăng theo thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của DN hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu nên mới có tình trạng đầu cơ, nâng giá… “Hiện nay, năng lực sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng hóa của DN thành phố rất mạnh, nguồn hàng dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối đa dạng, rộng khắp, năng lực logistics mạnh, cộng thêm các phương thức kinh doanh trực tuyến phát triển rất nhanh giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận nhanh chóng và trực tiếp tới nhà sản xuất. Thành phố còn có lực lượng DN bình ổn thị trường mạnh, nhiều kinh nghiệm; các sở – ngành, quận – huyện nắm chắc tình hình thị trường, kịp thời can thiệp khi có dấu hiệu biến động” – ông Phương nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, về lý thuyết kinh tế, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Do đó không lo chủ trương điều chỉnh, tăng lương cho khối công chức, viên chức làm tăng giá hàng hóa và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng thu nhập của người tiêu dùng có thể kích thích tiêu dùng làm tăng cầu sẽ tác động đến lạm phát kỳ vọng.
Để kiểm soát lạm phát, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp để hàng hóa không tăng giá khi thực hiện tăng lương. Theo ông, tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, hàng loạt giải pháp đã được nêu ra, trong đó cần bảo đảm nguồn cùng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu…; chủ động điều hành nhịp nhàng giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá như viện phí, học phí… Việc điều hành cần căn cứ trên cơ sở tín hiệu của thị trường. “Việc tăng ở mức nào, thời điểm nào cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh xáo trộn lớn về mặt bằng giá, không tăng giá đột ngột” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ.
Tăng cường kiểm soát kê khai, niêm yết giá
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bình ổn thị trường, chống đầu cơ, thao túng giá. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. “Với các giải pháp được chủ động triển khai đồng bộ, việc tăng lương sẽ không tác động nhiều đến giá hàng hóa, dịch vụ, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.