Chu kỳ nới lỏng tiền tệ và động lực tăng trưởng của Việt Nam
Những ngày vừa qua, thị trường liên tiếp đón nhận những tin tức về một chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới.
Cục dự trữ liên bang Mỹ hạ mạnh lãi suất quỹ liên bang 50 điểm cơ bản. Khi ra quyết định này, vị chủ tịch Fed khá lúng túng trước câu hỏi “gắt”, tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn ổn mà Fed lại hạ lãi suất những 50 điểm mà không phải là 25 điểm cơ bản. Giới chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất mạnh như vậy để hỗ trợ các hộ gia đình với các khoản vay thẻ tín dụng khổng lồ, để kích thích họ tiêu dùng, điều đóng góp lớn cho GDP của nước Mỹ.
Ngay cả trong kế hoạch kinh tế của mình, Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng cho biết bà có thể sẽ cung cấp các khoản trả ngay (down-payment) để hỗ trợ người dân có căn nhà đầu tiên, dù Quốc Hội Mỹ mới là cơ quan quyết định có thông qua những khoản trợ cấp kia hay không?
Nỗ lực dùng các biện pháp nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế không phải chỉ là câu chuyện của Mỹ.
Nền kinh tế cạnh Việt Nam – Trung Quốc, có lẽ là đang vận dụng hết tất các công cụ họ có trong tay, bơm tiền, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng và nới lỏng các quy định về cho vay mua nhà, để kích thích nền kinh tế vốn chìm sâu trong vòng xoáy lạm phát thời gian vừa qua. Nhưng vấn đề của nước này không hẳn chỉ ở thị trường bất động sản đóng băng, làn sóng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài mà còn là thương chiến với Mỹ và châu Âu… điều khiến kinh tế Trung Quốc khó lòng đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như trong quá khứ.
Đâu đó chúng ta vẫn nghe tiền vẫn được bơm ra nền kinh tế, mà trực tiếp hơn, là phát tiền cho người dân như Thái Lan đang làm.
Ở Việt Nam, dù không trực tiếp phát tiền, quyết định tăng lương cơ sở cũng giúp những người nhận lương hưu, công chức có thêm một khoản thu nhập đáng kể để thúc đẩy chi tiêu và đồng thời góp phần giúp GDP tăng trưởng.
Trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục có những động thái hỗ trợ thanh khoản thị trường, gần nhất, cơ quan này bơm ròng 67 ngàn tỷ đồng thông qua thị trường mở trong tuần trước, hút tiền bằng tín phiếu (công cụ hút tiền và là nỗi ám ảnh của thị trường cùng thời điểm này năm ngoái) không còn được sử dụng. Ngoài ra, việc kho bạc Nhà nước mua 250 triệu USD trong tháng 9 cũng góp phần tăng cung tiền đồng cho thị trường.
Kinh tế Việt Nam hiện được giới chuyên gia nước ngoài cho là trên đà phát triển mạnh, hưởng lợi mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ-Trung. Gần nhất, ông Kelvin Tay, CIO của UBS Global Wealth Management, nói với CNBC rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng là một động lực tăng trưởng lớn với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. “Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn”, ông kết luận.
Nhận định này khá xác đáng khi mà gần đây, Nhà nước Việt Nam với việc thông qua việc xây dựng đường sắt cao tốc bắc Nam có giá trị lên đến 67 tỷ USD, sẽ góp phần gián tiếp và trực tiếp, thúc đẩy kinh tế của đất nước trong nhiều năm tới, bên cạnh các dự án hạ tầng đang triển khai, ví dụ dự án như sân bay Long Thành.
Rủi ro nhỏ với Việt Nam, được giới chuyên gia nhắc tới, có lẽ sẽ tới từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Khi mà ứng viên tranh cử Donald Trump luôn quan tâm đến thâm hụt thương mại ngày càng tăng giữa hai nước. Những khoản thuế có thể sẽ được áp cho Việt Nam. Nhưng với một “deal-maker” như ông Trump, các vấn đề nảy sinh chỉ để thương lượng và điểm đến sẽ là một phương án chung tốt cho cả đôi bên.