Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới, như Apple, Google, Meta… nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm phát triển tiềm năng của Việt Nam.
Chiều ngày 23/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới, như Apple, Google, Meta… trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 79 tại New York.
Tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Apple, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, vừa qua, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác triển khai hợp tác với Tập đoàn Apple, hy vọng đây sẽ là cơ chế hợp tác hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên trong thời gian tới.
Đồng thời, Chủ tịch nước cũng mong muốn Apple sẽ tham gia phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, thông qua các hoạt động hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple (Nguồn: TTXVN) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Apple và các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC); nghiên cứu khả cung cấp các suất học bổng tài năng cho các sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)….
Ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch Apple nhấn mạnh, nhiều sản phẩm trọng yếu của Apple hiện đang được sản xuất tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao triển vọng đầu tư vào Việt Nam cũng như giá trị của thị trường Việt Nam trong chiến lược toàn cầu và tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng của tập đoàn.
Tiếp ông Eric Schmidt, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Google, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao các quyết định ủng hộ việc đầu tư, mở rộng hoạt động của ông ở giai đoạn lãnh đạo tập đoàn, cũng như thiện chí hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chương trình phát triển về AI và công nghệ mới trong thời gian qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn ông Eric Schmidt ở vai trò cố vấn có tiếng nói với Tập đoàn Google và đối tác liên quan tiếp tục mở rộng đầu tư, hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng kiến nghị Google trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thành lập trung tâm R&D, phòng thí nghiệm, không gian phát triển sản phẩm công nghệ mới tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị ông Schmidt cố vấn, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI và bán dẫn tại Việt Nam, thành lập Quỹ đầu tư quốc gia về AI và bán dẫn để đẩy mạnh sự phát triển của nhóm lĩnh vực này tại Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp ông Eric Schmidt, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Google (Nguồn: TTXVN) |
Đồng thời, hy vọng ông Schmidt hỗ trợ Việt Nam kết nối đối tác lớn trên thế giới để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển hệ sinh thái, nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, qua đó đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Mỹ đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Eric Schmidt, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phần mềm của châu Á, với những tín hiệu tích cực như nhiều các công ty với công nghệ mới và nhiều câu chuyện thành công đi lên từ công ty nhỏ lẻ. Theo ông, điều tối ưu nhất cho Việt Nam là thành lập các công ty phần mềm chuyên về AI.
Ông cho biết, nhiều nước khởi đầu với xây dựng công ty phần mềm cấp thấp. Tuy nhiên, ông tin tưởng Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực tham gia phân khúc cao, dùng AI để giải quyết những vấn đề lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay môi trường.
“Hy vọng việc xây dựng các công ty phần mềm này sẽ được bao gồm trong chiến lược phát triển của Việt Nam và cam kết sẽ đưa nguồn vốn từ Mỹ đến các công ty này”, cựu lãnh đạo Google bày tỏ.