Chủ tịch VKC: Sẽ không để một áp lực nào chi phối vì Công ty đã khó khăn lắm rồi
ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 của CTCP VKC Holdings (UPCoM: VKC) đã thông qua việc đấu giá, thế chấp 5 lô đất tổng diện tích hơn 25,100m2 và thanh lý loạt tài sản cố định, hàng tồn kho để trả nợ.
VKC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 vào sáng ngày 26/07/2024. Ảnh: Tú Anh
|
ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 của CTCP VKC Holdings (UPCoM: VKC) diễn ra thành công với tỷ lệ tham dự hơn 46%. Trước đó ngày 29/06, VKC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhưng bất thành do tỷ lệ tham dự chỉ đạt 18.76% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, không đủ điều kiện tiến hành.
Quyết bán đấu giá, thế chấp 5 lô đất để trả nợ
Tại đại hội lần 2 các cổ đông tranh luận sôi nổi về các phương án giải quyết nợ nần của Công ty.
Theo một cổ đông, các lô đất của VKC đã mua từ rất lâu có giá trị chỉ 8 tỷ đồng, hiện nay nếu đánh giá lại các lô đất này theo đơn giá Nhà nước sẽ lên đến 500 tỷ đồng, nên đề nghị VKC cân nhắc phương án này.
Trong khi đó, một cổ đông khác cho rằng việc định giá lại tài sản các lô đất chỉ làm đẹp cho BCTC vì làm tài sản lớn nhưng chưa chắc đã tốt cho Công ty. Khi định giá lại, Công ty sẽ phải đóng thuế 20% thì VKC lại không có tiền đóng, trong khi đất càng lớn càng khó bán và phải theo giá thị trường.
Đồng quan điểm, ông Thân Xuân Nghĩa – Chủ tịch HĐQT VKC cho rằng giá Nhà nước ngày xưa có thể thấp hơn nhưng bây giờ có thể cao hơn thị trường. Do vậy, nếu theo đơn giá Nhà nước thời điểm này thì sẽ khó kiếm được người mua.
“Chúng ta phải chọn ra phương án tối ưu nhất để đi đàm phán với ngân hàng chậm lại một chút để Công ty có nhiều cơ hội xử lý hơn. Vì tháng 8 tới, Công ty sẽ ra hầu tòa do VPBank phúc thẩm, nên quan trọng nhất bây giờ là thời gian, nếu không thì sẽ không kịp trở tay”, ông Nghĩa nói.
Sau nhiều giờ tranh luận, VKC đã thông qua việc bán đấu giá, thế chấp 5 lô đất có tổng diện tích hơn 25,100m2 để trả nợ. Trong đó, lô đất diện tích gần 6,476m2 tại Bình Dương là tài sản thế chấp tại ngân hàng MBB, hiện đang được Công ty TNHH Quản lý Nợ & Khai thác Tài sản – Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) quản lý và trong giai đoạn đấu giá thanh lý tài sản để thu hồi nợ.
Tính đến ngày 07/05/2024, tổng dư nợ tạm tính của VKC tại MBB gần 88 tỷ đồng, trong đó khoảng 70 tỷ đồng nợ gốc, 17.8 tỷ đồng nợ lãi và hơn 12 triệu đồng dư nợ bảo lãnh.
* Khu đất hơn 6 ngàn m2 tại Bình Dương của VKC bị mang ra đấu giá, khởi điểm chưa đến 9 triệu đồng/m2
Nguồn: Tổng hợp
|
Cũng tại Bình Dương, lô đất diện tích gần 13,486m2 là tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại VPBank. Trước đó, ngày 14/06, VKC thông tin về việc nhận được công văn của VPBank khởi kiện lên Toà án nhân dân (TAND) TP. Dĩ An nhằm thu hồi công nợ tổng cộng gần 85 tỷ đồng (tính đến ngày 31/05/2024); trong đó, nợ gốc gần 67 tỷ đồng, lãi nợ quá hạn 17.3 tỷ đồng và gần 100 triệu đồng lãi chậm trả.
Về lô đất diện tích hơn 2,366m2 (Bình Dương), số tiền thu được từ việc chuyển nhượng tài sản sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ đến hạn hoặc cấn trừ hết khoản nợ trái phiếu đã sử dụng khi phát hành.
Ngoài ra, Công ty cũng lên kế hoạch thanh lý tài sản cố định và hàng hoá tồn kho bao gồm vỏ xe, nhớt, bình điện, các vật tư, hàng hoá ngành sản xuất cáp không còn phù hợp hoặc không có nhu cầu sử dụng, các hàng hoá là cáp lẻ mét không còn phù hợp thị trường.
Số tiền thu được từ việc thanh lý, VKC sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ đến hạn/quá hạn hoặc bổ sung vốn lưu động.
Các chi nhánh “nợ” hơn 80 tỷ đồng không rõ nguyên nhân
Theo thông tin công bố tại đại hội, 3 chi nhánh của VKC gồm Vĩnh Long, Bình Dương và TPHCM đang nợ chính Công ty mẹ VKC hơn 80 tỷ đồng.
Về vấn đề các khoản nợ khó đòi, ông Phạm Hoàng Phong – Tổng Giám đốc VKC cho biết khoản nợ này đã có từ lâu, bên kiểm toán và công ty đã xác minh rất nhiều lần nhưng không có bằng chứng xác định nợ. Do đó, thay vì cứ để treo hoài các khoản nợ này, ông Phong đề nghị xóa nợ.
Đại diện VKC cho biết thêm, ban lãnh đạo Công ty giai đoạn từ 2018-2022 đã điều hành cho chạy dòng tiền qua lại để tăng doanh thu cho Công ty mẹ là VKC; các chi nhánh có thực hiện chiết khấu bán hàng cho khách hàng nhưng VKC lại không chiết khấu cho chi nhánh, đây là hình thức dấu lỗ nhằm tăng lợi nhuận cho VKC trong thời gian dài. Bên cạnh đó cũng không có đối chiếu công nợ định kỳ giữa hai bên, các chi nhánh không có bộ phận kế toán riêng biệt mà tất cả đều sử dụng chung bộ phận kế toán của VKC.
VKC cho rằng các khoản nợ của 3 chi nhánh của Công ty là không có thật hoặc không đủ căn cứ để thu hồi theo quy định.
Ngoài ra, VKC đề nghị trích lập dự phòng gần 100 tỷ đồng là khoản nợ quá hạn và khó thu hồi. Trong đó, có 36 tỷ đồng là khoản tiền góp vốn tại Công ty Khang Gia Hưng.
Hơn 100 tỷ đồng tiền hàng tồn kho kiểm kế thiếu không rõ nguyên do
Cổ đông tiếp tục tranh cãi chuyện cũ về việc hàng tồn kho có giá trị hơn 100 tỷ đồng bị kiểm kê thiếu không rõ nguyên nhân trong giải trình BCTC kiểm toán năm 2022.
Vấn đề này, Chủ tịch VKC thông tin rằng đã có tố cáo ban điều hành thời điểm đó, chuyện ai đúng ai sai sẽ có kết luận của Công an khi điều tra.
Nguồn: BCTC kiểm toán 2022 của VKC
|
Đáng chú ý, ông Lê Minh Chi bị bãi nhiệm chức Thành viên HĐQT ngay tại đại hội. Thay vào đó, VKC bổ sung 3 thành viên HĐQT gồm bà Phạm Thị Lan (cổ đông lớn sở hữu 5.1% VKC), ông Tạ Ngọc Bích và ông Nguyễn Quang Huy. Ngoài ra, VKC cũng thông qua việc bổ sung thêm bà Nguyễn Thị Lê làm Thành viên Ban kiểm soát.
Từ trái qua (cầm bông) gồm bà Phạm Thị Lan, ông Nguyễn Quang Huy, ông Tạ Ngọc Bích và bà Nguyễn Thị Lê. Ảnh: Tú Anh.
|
Kế hoạch tiếp tục lỗ năm 2024
Về kế hoạch phát triển trong tương lai, năm 2024, VKC đặt mục tiêu trước tiên là xử lý song song các vấn đề tồn đọng, cố gắng hoạt động lại sản xuất kinh doanh và giảm nợ vay. Công ty cho rằng chỉ khi các vấn đề tồn đọng (nợ trái phiếu, nợ tín dụng, công nợ khách hàng, vấn đề tồn kho thiếu không rõ nguyên nhân …) được xử lý thì VKC mới có thể phát triển lại được. Do đó, Công ty chưa thể xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể và chỉ cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh trên phần vốn ít ỏi còn lại với tinh thần tiết kiệm và hiệu quả.
Năm 2024, VKC lên kế hoạch tổng doanh thu 20 tỷ đồng, mục tiêu giảm lỗ trước thuế còn 60 tỷ đồng (năm 2023 lỗ hơn 88 tỷ đồng).
Quý 2/2024, VKC lỗ sau thuế hơn 29 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 20 tỷ đồng) và là quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ (từ quý 2/2022). Qua đó, tính đến cuối tháng 6, VKC lỗ lũy kế 350 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
“Công ty đang bị lỗ cố định nhưng mong sẽ lãi cố định trong thời gian tới”, Chủ tịch VKC kỳ vọng.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, khi nào còn điều hành ở VKC sẽ không để bất kỳ ai được phép lũng loạn tài sản nào của VKC và sẽ không để một áp lực nào chi phối vì công ty đã khó khăn lắm rồi.
* VKC dừng góp vốn vào nhiều công ty, giải thể nhiều chi nhánh
*VKC thanh lý tài sản để cơ cấu tài chính, người của nhóm Louis rút khỏi HĐQT