Liệu đây có phải là cơ hội để các nhà đầu tư “tham lam” hay “rót hết vốn” vào cổ phiếu?
Câu hỏi đặt ra: Liệu đây có phải là cơ hội để các nhà đầu tư “tham lam” hay “all-in” vào cổ phiếu?
Để trả lời câu hỏi này, nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ lưỡng các nhóm yếu tố tác động chính đến thị trường chứng khoán Việt Nam từ nhiều góc độ và toàn diện hơn. Tôi đưa ra phân tích thị trường qua ba nhóm yếu tố quan trọng để đánh giá liệu có đủ cơ sở để “tham lam” trong thời điểm hiện tại.
“Cơn gió ngược” bên ngoài
Mặc dù FED hạ lãi suất tạo kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mua ròng, nhưng việc dòng vốn này đủ lớn để bù đắp lượng bán ròng từ đầu năm đến nay là điều rất khó xảy ra. Lượng vốn ngoại rút ròng từ đầu năm đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam có một phần lớn là các dòng vốn đầu tư chiến lược và khó quay trở lại trong ngắn hạn dù chính sách tiền tệ của FED đảo chiều.
Việc hút ròng lại dòng vốn này cần câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn hơn mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, dù tránh được suy thoái, cũng không mang lại lợi thế cho Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở cao.
Phụ thuộc vào nội tại
Tính đến hết ngày 20/09, VN-Index đã tăng 12,6% so với đầu năm nay nhờ chủ yếu nhờ sự phục hồi kinh tế giúp triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng 18 – 20% so với năm 2023.
Nhưng để tiếp tục duy trì đà tăng mạnh này của chỉ số trong quý cuối năm, hai yếu tố chính cần quan tâm: (1) mức độ lan tỏa của sự phục hồi kinh tế đến tiêu dùng và đầu tư trong nước, và (2) tiến độ triển khai Luật Đất đai, giúp khai thông các dự án bất động sản và giảm thiểu rủi ro cho ngành bất động sản và rủi ro nợ xấu cho ngành ngân hàng.
Thiếu động lực dẫn dắt mạnh mẽ
Hiện nay, nếu không tính đến kỳ vọng nâng hạng TTCK Việt Nam thì thị trường thiếu vắng các câu chuyện thu hút dòng tiền trong bối cảnh sự phân mảng định giá khá lớn, thị trường định giá khá cao nếu loại trừ nhóm tài chính và bất động sản. Mặt tích cực là môi trường lãi suất và pháp lý giúp chứng khoán là một trong những lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền đang chờ cơ hội.
Đã đến lúc “tham lam”?
Dựa trên các phân tích về ba nhóm yếu tố chính nói trên và khả năng biến động, tôi cho rằng xác suất rất cao (kịch bản cơ sở), VN-Index sẽ kết thúc năm 2024 với mức điểm tương đối tốt, khoảng 1.320 điểm.
Theo kịch bản này, VN-Index còn dư địa tăng khoảng 3,8% trong thời gian còn lại của năm nay, và sự phân hóa các nhóm ngành cũng như câu chuyện riêng sẽ lớn hơn trong quý 4 năm nay. Với sự phân hóa và đà tăng không quá lớn, thị trường sẽ trải qua nhiều thời gian đi ngang hơn và không thực sự đủ điều kiện để “tham lam” mà thay vào đó, cần một chiến lược phân bổ hợp lý và tập trung vào lựa chọn cổ phiếu.
Các nhà đầu tư chỉ nên xem xét đến sự “tham lam” khi các dữ liệu sắp tới ủng hộ khả năng xác suất suy thoái giảm dần (tránh kịch bản tiêu cực); đồng thời ủng hộ cho kịch bản tích cực xảy ra. Việc này gắn liền với 3 yếu tố quan trọng sau đây:
Thứ nhất, dữ liệu việc làm và kinh tế Mỹ tiếp tục khẳng định khả năng suy thoái thấp.
Thứ hai, báo cáo tài chính nhóm ngân hàng trong quý III/2024 cho thấy củng cố ban đầu của chất lượng tài sản và kỳ vọng phục hồi chất lượng tài sản trong các quý tới khá chắc chắn.
Thứ ba, tiến độ pháp lý các dự án bất động sản thông suốt ngay đầu quý IV/2024.
Nếu các điều kiện trên được đáp ứng, dòng vốn ngoại trở lại Việt Nam được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn, định giá 2 nhóm ngành lớn là ngân hàng và bất động sản đang thấp hơn trung bình lịch sử mới thực sự rẻ và triển vọng hồi phục rõ ràng của 2 nhóm ngành này mới có thể dẫn dắt thị trường chinh phục các mốc cao hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Tóm lại, thời điểm hiện tại chưa đủ điều kiện để “tham lam” trong đầu tư cổ phiếu mà cần sự phân bổ hợp lý với kỳ vọng vừa phải. Quyết định có nên “tham lam” hay không là nên đợi đầu tháng 11/2024 với các dữ liệu về kết quả kinh doanh quý III/2024 của nhóm ngân hàng, quá trình triển khai Luật đất đai và dữ liệu kinh tế Mỹ rõ ràng hơn. Khi các yếu tố này ủng hộ thì kỳ vọng của thị trường sẽ không “vội tan” như giai đoạn vừa qua.
Nhà đầu tư nên đợi đầu tháng 11/2024 với các dữ liệu về kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng, triển khai Luật đất đai và tình hình kinh tế Mỹ, thì mới quyết định có “tham lam” hay không.
Source link