Chi tiết

Chứng khoán chỉnh phiên thứ 3 liên tiếp có đáng ngại?

Thị trường vẫn ở giai đoạn xây nền đón sóng tích cực. Ảnh minh họa: PV

Sau tuần giao dịch bùng nổ và xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh. VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên mức giảm chỉ khoảng 1 đến 3 điểm. Đồng thời, thị trường không xuất hiện tình trạng bán tháo sau khi lượng hàng ở phiên bùng nổ giao dịch ngày 5/12 về.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá VN-Index đang đến ngưỡng kháng cự gần 1.280 nên có sự điều chỉnh và giai đoạn này vẫn là giai đoạn xây nền để đón sóng tích cực thời gian tới.

Nhìn về toàn cảnh thị trường, ông Sơn cho rằng dòng tiền khá lan tỏa chứ không tập trung vào ngành nào. Ngân hàng vẫn là nhóm lớn và chiếm gần 23% tổng thanh khoản thị trường, song 3 tuần gần đây dòng tiền co bớt ở nhóm ngân hàng và lan tỏa ra các ngành khác. Một số ngành tăng tốt sang tuần thứ 2 liên tiếp như bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng, hóa chất, bất động sản công nghiệp, logistics… cũng hút dòng tiền tốt.

Bộ phận phân tích của Chứng khoán KB nhận xét nhịp điều chỉnh trong tháng 10 và 11 đã đưa định giá P/E của VN-Index về mức tương đối hấp dẫn, trong bối cảnh mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng khả quan. Các kỳ vọng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV sẽ dần phản ánh vào diễn biến thị trường từ nửa sau tháng 12.

Mặt khác, Fed nhiều khả năng sẽ có đợt hạ lãi suất tiếp theo trong kỳ họp tháng 12 khi lạm phát vẫn đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt đúng lộ trình và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Điều này kết hợp với lượng ngoại tệ dồi dào chảy về Việt Nam trong giai đoạn cuối năm sẽ góp phần hạ nhiệt áp lực tỷ giá, tiếp tục hỗ trợ NHNN có thêm dư địa trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp.

Dù vậy, thị trường cũng có rủi ro từ việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ đem đến nhiều kỳ vọng trái chiều trong các vấn đề thay đổi chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế. Ngoài ra, rủi ro lạm phát có thể nóng lên trở lại trong nhiệm kỳ tổng thống Trump khi việc áp thuế nhập khẩu sẽ tạo áp lực lên giá cả hàng hóa và chi phí đầu vào.

Đồng thời, thị trường Trung Quốc chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Việc sụt giảm nhu cầu ở nền kinh tế số 2 thế giới có thể tạo áp lực lên nhiều khía cạnh, đặc biệt là môi trường xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách áp thuế dưới thời tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ làm thay đổi dòng chảy hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sang các thị trường khác, gián tiếp chiếm thị phần và cạnh tranh mạnh với các sản phẩm nội địa.

Sóng nâng hạng đang đến gần

Nhìn lại lịch sử, con sóng lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong 20 năm qua, VN-Index tăng mạnh khi có câu chuyện lớn. Như 2005 – 2027, con sóng Việt Nam gia nhập vào WTO – thu hút được 2 – 3 tỷ USD. Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (2016 – 2018) – hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài. Giai đoạn 3 là giai đoạn gắn liền với tiền rẻ được gọi là sóng Covid (2020 – 2022).

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang đứng trước sóng tăng thứ 4 gắn liền với câu chuyện tăng trưởng kinh tế và nâng hạng thị trường (2025 – 2026). Theo chuyên gia VPBankS, VN-Index năm nay giao dịch xây nền quanh 1.200 – 1.300 điểm và trong nhiều tháng trở lại đây ghi nhận các bộ nến chặt rất giống giai đoạn tích lũy 2015 – 2016.

“Tôi kỳ vọng con sóng nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sẽ giúp VN-Index tăng lên vùng cao mới, mua khi VN-Index ở vùng 1.200 – 1.240 điểm và cầm trung, dài hạn thì chắc chắn khả năng chốt lời ở vùng 1.400 – 1.500 trở lên”, ông Sơn nói.

Nhìn lại bảng tổng hợp tiêu chí đánh giá phân loại thị trường của FTSE cập nhật vào tháng 9/2024. Việt Nam còn một số điểm hạn chế về mặt thanh toán, chi phí giao dịch thất bại. Vào đầu tháng 11, Thông tư 68 có hiệu lực cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước giao dịch.

Đại diện của FTSE đánh giá cao về giải pháp loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (Pre-Funding) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam áp dụng đầu tháng 11. Tuy nhiên, họ cần thu thập thêm ý kiến của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong vài tháng tới để đánh giá hiệu quả và tính ổn định của giải pháp Việt Nam thực hiện.

Điểm nữa, thời gian tới, FTSE sẽ hợp tác với UBCKNN và cơ quan quản lý, VSDC để hoàn thành những yếu tố nâng tầm tiêu chuẩn quốc tế đối với TTCK Việt Nam. Đầu tiên là thành lập trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) – đây là yếu tố quan trọng. Nếu xây dựng được CCP sẽ hạn chế rất nhiều lỗi giao dịch, bộ đệm về vốn và an toàn vốn nâng cao lên nhiều. Thứ 2 là cần đơn giản hóa quy trình lập tài khoản và loại bỏ những yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự một số tài liệu. Thứ 3, triển khai cơ chế tài khoản tổng. Thứ 4 là nâng cấp hệ thống hạ tầng giao dịch và xử lý giao dịch – liên quan đến đưa vào vận hành hệ thống KRX.

Mặc dù những yếu tố này không phải là yếu tố chính yếu quan trọng để FTSE review nâng hạng TTCK Việt Nam nhưng ông Sơn cho rằng nó sẽ nâng tầm hiệu quả giao dịch của TTCK giúp giao dịch trở nên thông thoáng hơn, giảm thiểu rủi ro thanh toán hơn.

“Tôi kỳ vọng trong tháng 3 sẽ có những ghi nhận và báo cáo, nhanh nhất đến tháng 9/2025 có thể được chính thức nâng hạng. Trong quá trình đó, sẽ có lượng vốn ngoại lớn đổ vào TTCK Việt Nam trước từ 6 đến 8 tháng. Đến tháng 3, khi có những đánh giá mới thì chúng ta có thể thấy khối ngoại mua ròng trở lại rõ ràng hơn.

Chuyên gia của Chứng khoán KB cũng đồng tình tâm điểm của thị trường trong giai đoạn tới sẽ đến từ tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những động thái mới đến từ cả phía Việt Nam và FTSE sẽ càng củng cố cho kịch bản tích cực được xem xét nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 3/2025.



Nguồn