Chi tiết

Chứng khoán tiến tới kỷ nguyên vươn mình

Chứng khoán Việt Nam đứng trước kỷ nguyên mới. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, 2025 là một năm với nhiều những dấu mốc quan trọng, là năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025; 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước. Đối với ngành Tài chính và thị trường tài chính, 2025 cũng là năm với những sự kiện quan trọng như 80 năm thành lập ngành Tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, với các nỗ lực của Chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2025 phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng, khẳng định là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả, bền vững cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng của Chính phủ.

Nhiều thành viên thị trường cũng kỳ vọng sau một năm 2024 giao dịch giằng co trong vùng 1.200 – 1.300 điểm, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ bứt tốc trong năm 2025.

“Vững bước tới kỷ nguyên vươn mình”, đó là một tựa đề trong báo cáo chiến lược của CTCP Chứng khoán MBS. Đơn vị này kỳ vọng TTCK trong nước được hỗ trợ bởi các thông tin như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2025 – 2026 dự báo đạt lần lượt 18% và 19% so với cùng kỳ. Hay, kỳ vọng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi. Theo Morgan Stanley, nếu được nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Trao đổi với Nhadautu.vn, TS Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS kỳ vọng việc nâng hạng còn là động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam ngày càng trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn, gia tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức quỹ đầu tư, và hướng đến tăng trưởng bền vững.

Việt Nam sẽ thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam

Morgan Stanley

Bên cạnh đó, các chuyên gia từ Chứng khoán TPS cho rằng định giá vẫn còn hấp dẫn so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tại thời điểm tháng 12/2024, mức P/E thị trường đạt ngưỡng 13,2 lần. VN-Index hiện vẫn ở mức hấp dẫn với triển vọng phục hồi trong năm 2025 khi trung bình của 10 năm của P/E ở ngưỡng 15,2 lần.

“Xét về triển vọng trong năm 2025, chúng tôi dự báo VN-Index dao động quanh mục tiêu 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15 (tương đương với mức P/E trung bình của 10 năm gần nhất)”, trích báo cáo của TPS.

Về phần Chứng khoán MBS, đơn vị này nhận định với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12,5 – 13 lần P/E, VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt 1.400 – 1.420 trong năm 2025.

Còn nhiều thách thức với thị trường chứng khoán

Bên cạnh những triển vọng lạc quan, TTCK cũng được dự báo đối mặt với nhiều rủi ro. Theo Chứng khoán MBS, chính sách điều hành khó dự đoán của thời kỳ Tổng thống Donald Trump có thể tác động đến triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam, và có khả năng làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của FED.

Mặt khác, việc đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền khác (trong đó có VND) sẽ làm cho nhà đầu tư nước ngoài phải chịu thêm phần chi phí tỷ giá. Trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán Hoa Kỳ như DowJones, S&P500, Nasdaq tăng mạnh cũng khiến TTCK Việt Nam và các thị trường mới nổi trở nên không hấp dẫn.

Chỉ số USD-Index tăng mạnh trong một năm trở lại đây. Ảnh: Marketwatch.

Minh chứng là khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 93.000 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán trong năm 2024, và bán 90.000 tỷ đồng riêng sàn HoSE. Khối ngoại tiếp tục bán ròng liên tục trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025, với tổng giá trị bán ròng hơn 1.133 tỷ đồng.

Ngoài ra, định giá TTCK Việt Nam được nhìn nhận ở mức thấp theo cách tính P/E, song nếu loại bỏ nhóm bất động sản và ngân hàng thì hệ số này lại trở nên rất đắt đỏ. Giới phân tích nhìn nhận cách tính P/E tại các doanh nghiệp địa ốc không chính xác do nhiều doanh nghiệp báo lỗ trong BCTC 9 tháng năm 2024, hoặc có lợi nhuận từ các hoạt động ngoài kinh doanh cốt lõi (doanh thu hoạt động tài chính, lợi nhuận khác).

Vì vậy, dòng tiền đang ngày càng chọn lọc hơn, và tìm đến các mã có câu chuyện riêng hấp dẫn và định giá thực sự thấp (YEG, HVN, HNG…).

Nhìn chung, dù triển vọng TTCK năm 2025 là rất sáng, song VN-Index thời điểm hiện tại chưa có thông tin hỗ trợ cụ thể, nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi ít nhất là mùa BCTC quý IV để chọn lựa các cổ phiếu có nền tảng và cơ hội rõ ràng.



Nguồn