Chứng khoán châu Á và hợp đồng tương lai cổ phiếu toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch sáng 4/9 khi cổ phiếu công nghệ giảm mạnh và nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro do lo lắng triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số Taiwan Weighted Index (TWII) của Đài Loan trượt dốc sâu nhất thị trường châu Á với mỗi chỉ số đều giảm hơn 3% trong phiên sáng ngày 4/9. Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ thị trường Nhật Bản) giảm 1,6%.
Lịch sử cho thấy tháng 9 thường là một tháng tồi tệ đối với chứng khoán thế giới, mặc dù các nhà phân tích chỉ ra sự hội tụ của nhiều yếu tố đằng sau sự sụt giảm mạnh của thị trường, trong đó có dữ liệu sản xuất ảm đạm của Mỹ.
Phố Wall đóng cửa giảm mạnh đêm qua sau khi thị trường chứng khoán Mỹ trở lại sau kỳ nghỉ vào đầu tuần, với sự sụp đổ của cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Nvidia. Cụ thể, cổ phiếu đã lao dốc 9,5% phiên giao dịch 3/9 (giờ Mỹ), mức giảm giá trị sâu nhất trong ngày từ trước đến nay đối với một công ty Mỹ. Mức giảm kỷ lục này khiến vốn hóa thị trường của Nvidia bị thổi bay 279 tỷ USD.
“Tâm lý thị trường muốn giảm rủi ro danh mục đầu tư khi Mỹ tăng tốc trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Lao động đã xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực trong thị trường vốn”, ông Chris Weston, Giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới tài chính Pepperstone (Australia) cho biết.
“Mối quan ngại về tăng trưởng là chủ đề chính trong ngày, với các tài sản nhạy cảm với bị ảnh hưởng theo chu kỳ và các biện pháp phòng ngừa được đưa ra một cách mạnh mẽ”, ông Weston lưu ý.
Sự sụp đổ của cổ phiếu Nvidia đã lan sang các mã cổ phiếu công nghệ ở châu Á trong phiên giao dịch sáng 4/9, với cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị kiểm định chip của Nhật Bản Advantest, một nhà cung cấp cho Nvidia, đã “bốc hơi” 7%. Trong khi đó, cổ phiếu của hãng chip Đài Loan TSMC giảm hơn 4%, trong khi cổ phiếu SK Hynix của Hàn Quốc giảm 6,8%.
Trong khi đó, hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ tiếp tục giảm. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 đã giảm 0,4%, trong khi hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq giảm 0,56%. Hợp đồng tương lai chỉ số EUROSTOXX 50 giảm 0,93% và hợp đồng tương lai FTSE giảm 0,74%. “(Có) rất nhiều lời chỉ trích về: Nvidia. Công nghệ. Suy yếu trong dữ liệu của Mỹ. Trung Quốc (triển vọng kinh tế – BTV) ảm đạm”, ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á tại Ngân hàng Mizuho, nhận định.
Dữ liệu gần đây từ Trung Quốc chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang vật lộn để phục hồi vững chắc, làm dấy lên lời kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục bơm các gói kích thích.
Những lo ngại về triển vọng ảm đạm ở Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới – đã làm trầm trọng thêm sự sụt giảm giá dầu do kỳ vọng nhu cầu suy yếu.
Giá dầu thô Brent tương lai chạm đáy ở mức 73,14 USD/thùng vào ngày giao dịch 4/9 trong khi giá dầu thô của Mỹ chạm đáy ở mức 69,72 USD/thùng. Đây là đều những mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Đáng nói, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm gần 5% trong phiên giao dịch trước.
Ở các thị trường khác, cổ phiếu Hồng Kông đã giảm theo các cổ phiếu cùng loại trong khu vực với chỉ số Hang Seng giảm 0,9%. Tương tự, chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc trượt nhẹ 0,15%.
Một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, bao gồm các số liệu về việc làm, đơn xin trợ cấp thất nghiệp và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp dự kiến được công bố vào ngày 6/9.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp là bức tranh khái quát thị trường lao động Mỹ, nó chi phối quyết định cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong tháng này.
“Mọi người đều đang cổ vũ cho ý tưởng cắt giảm lãi suất, nhưng ý tưởng cắt giảm lãi suất không phải là điều tuyệt vời vì điều đó có nghĩa là mọi thứ tồi tệ hơn về mặt kinh tế so với những gì có thể xảy ra”, ông Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại tập đoàn môi giới ngoại hối IG (Vương quốc Anh), cho biết.
Thị trường tiền tệ và trái phiếu kho bạc Mỹ biến động không quá đáng kể so với thị trường chứng khoán, mặc dù các loại tiền tệ trú ẩn an toàn như đồng đô la Mỹ và đồng yên Nhật được hỗ trợ bởi các lệnh mua an toàn.
Đồng yên giao dịch ổn định ở mức 145,43 JPY đổi 1 USD, trong khi sự phục hồi của đồng bạc xanh đã đẩy đồng euro xa hơn mức cao nhất trong 13 tháng. Đồng euro được mua ở mức 1 EUR đổi 1,1053 USD.
“Tôi nghĩ rằng tình hình có vẻ hơi nguy hiểm trong tuần tới”, ông Sycamore cảnh báo.
Trong khi đó, đồng đô la Australia đang ở thế phòng thủ sau khi giảm 0,16% xuống còn 1 AUD đổi 0,67005 USD vì chịu thêm áp lực từ sự yếu kém của giá hàng hóa và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Australia vẫn chậm lại trong quý trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 1 điểm cơ bản xuống còn 3,8329%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm hơn 2 điểm cơ bản xuống còn 3,8630%.
Trên thị trường hàng hóa, vàng giao ngay nhích giá 0,07% lên 2.494,47 USD/ounce.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-va-dau-mo-lao-doc-vi-lo-ngai-tang-truong-kinh-te-toan-cau-post353028.html