Chi tiết

Chứng khoán Việt dần ‘miễn nhiễm’ khối ngoại

Thị trường hồi gần 50 điểm nhưng không kèm thanh khoản tăng. Nguồn: PV

Thị trường chịu áp lực ngắn hạn

Sau tuần giao dịch tích cực với động lực khối ngoại quay lại mua ròng, các phiên giao dịch gần đây thị trường ghi nhận sự điều chỉnh kèm khối ngoại bán ròng.

So sánh thì diễn biến thị trường đi khá sát với diễn biến của DXY Index (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD). DXY ghi nhận tăng mạnh lên sát vùng 108 vào 24/11 thì hạ nhiệt đáng kể về 105 vào đầu tháng 12, sau đó đã tăng lại lên 106,46.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank đánh giá thị trường đang chịu nhiều áp lực. Bên cạnh diễn biến DXY tăng trở lại thì việc VN-Index đang chạm ngưỡng kháng cự tạo nên 1 vùng tích lũy, rung lắc và xây dựng nền mới. Thêm vào đó, lượng cổ phiếu T+ bắt đáy của nhà đầu tư đã về tài khoản, tuy mức lợi nhuận chưa nhiều nhưng cũng đã có nhà đầu tư xem xét chốt lời.

Mặt khác, VN-Index phục hồi tiến sát 1.250 điểm và tăng khoảng 40 điểm từ đáy nhưng thanh khoản chưa có dấu hiệu phục hồi kèm theo. Do vậy, đây vẫn xác định là nhịp hồi ngắn hạn với VN-Index.

Về kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn, VN-Index đang test lại ngưỡng cản 1.255 – vùng xác định xu hướng uptrend hay nhiễu động thời gian qua. Nếu trong trường hợp, chỉ số xây nền tại 1.255 kèm thanh khoản tăng thì xác nhận chỉ số ổn định và tiếp tục phục hồi vào cuối năm.

Nhìn lại, các đáy của VN-Index đã thiết lập chắc chắn quanh 1.200. Do vậy, trong năm nay, ông Sơn cho rằng vùng hỗ trợ quanh 1.200 rất mạnh. Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mà không thủng 1.200 cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Song, vùng 1.300 cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay.

Ở giai đoạn hiện tại, ông Sơn đánh giá VN-Index chạm ngưỡng kháng cự thì nhà đầu tư ngắn hạn cân nhắc chốt lời, nhà đầu tư trung và dài hạn đã mua được cổ phiếu trong vùng giá thấp nhất vừa qua thì tiếp tục nắm giữ chờ xu hướng thị trường tích cực hơn trong cuối năm nay và đầu năm sau.

Bởi, với năm sau, Chuyên gia VPBankS nhận định thị trường chứng khoán có nhiều câu chuyện như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng, tăng trưởng GDP tích cực. Do vậy, thị trường chỉnh vẫn là cơ hội mua cho mục tiêu trung, dài hạn.

Ông Sơn phân tích thêm, nhà đầu tư cá nhân trong nước là lực đỡ chính cho lực bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước thời gian qua. Đến tuần vừa qua, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại thì nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng mua ròng.

Điều này cho thấy, khi thị trường có mức chiết khấu hợp lý thì nhà đầu tư tổ chức quay trở lại mua, một khi họ mua cho thấy tầm nhìn cho trung hạn, triển vọng năm sau. Nhìn vào quá khứ, xu hướng dòng tiền vào tổ chức trong nước cũng tăng trưởng mạnh năm nay, đặc biệt là ở những nhịp VN-Index chiết khấu mạnh như tháng 4 và tháng 11.

Dòng tiền nội làm trụ đỡ

Bình luận về việc khối ngoại bán ròng, Giám đốc phân tích thị trường VPBank cho rằng trải qua 1 năm bị rút vốn lên đến hơn 3 tỷ USD nhưng TTCK Việt Nam gần như không biến động nhiều, VN-Index giao dịch khoảng 50 đến tối đa 100 điểm cho thấy dòng tiền nội rất kiên cường.

Khối ngoại được xếp vào nhóm nhà đầu tư thông minh, có sức ảnh hưởng nhất định lên thị trường. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy không phải lúc nào khối ngoại bán ròng mạnh thì thị trường cũng giảm. Giai đoạn tiền rẻ 2020 – 2021, khối ngoại bán ra 2 tỷ USD, thị trường gần như không giảm thậm chí đi lên đỉnh mới. Do vậy, ảnh hưởng của khối ngoại còn phụ thuộc vào tình hình thị trường. Khi thị trường Việt Nam mạnh với mặt bằng lãi suất thấp và có câu chuyện thì kể cả khối ngoại bán ròng mạnh thị trường vẫn đi lên.

Xét trong năm nay, diễn biến thị trường luôn là khối ngoại bán thị trường chỉnh nhưng không quá mạnh, khi khối ngoại mua ròng thì thị trường lên tích cực. Có 3 nhịp bán ròng mạnh là tháng 3 và 4, 7 và 8, giai đoạn bán cao trào diễn ra vào đáy thị trường tháng 11.

Dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là trợ lực giúp thị trường năm nay không giảm quá sâu, ổn định, tích lũy dần hình thành nền giá mới để đi lên cho năm sau.

Đối với dòng tiền ngoại, ông Sơn kỳ vọng với động lực từ sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận của doanh nghiệp, câu chuyện nâng hạng và định giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút lại. Đặc biệt là câu chuyện nâng hạng, nếu thực hiện được thì từ giữa 2025, Việt Nam có thể đón dòng tiền ngoại lớn như nhiều thị trường khác đã đạt được.



Nguồn