Sau nhiều ngày tháng “án binh bất động”, nhóm cổ phiếu ngành đường sắt liên tục tăng nóng trong vài phiên giao dịch trở lại đây.
Kết phiên 27/6, cổ phiếu SRT của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, HRT của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội đang niêm yết trên UPCoM tăng trần với mức tăng hơn 14%. 2 cổ phiếu này đều tăng 62% trong 4 phiên giao dịch, kể từ thứ Hai (ngày 24/6). Cổ phiếu RCC của CTCP Tổng Công ty Công trình Đường sắt có mức tăng yếu hơn nhưng cũng đạt 25% cùng thời điểm. “Sự thức giấc” đưa nhóm cổ phiếu này nhanh chóng lên mức giá đỉnh 1 năm.
Diễn biến nhóm cổ phiếu đường sắt trong năm 2024 |
Cổ phiếu đường sắt nổi sóng trong bối cảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc. Trong khuôn khổ các buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc muốn tăng rót vốn vào hệ thống hạ tầng chiến lược Việt Nam, như đường sắt đô thị, tốc độ cao.
Ngày 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lou Qiliang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Thủ tướng mong muốn trao đổi tìm cơ hội hợp tác, mong Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ để phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng; tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội; tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. 3 tuyến đường sắt này dài hơn 700km.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao dài hơn 1.500km. Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai dự án trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.
Hình ảnh tại Hội nghị hợp tác Việt Nam – Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc sáng 27/6 |
Trong buổi làm việc ngày 27/6, tại Bắc Kinh, ông Thắng tiết lộ thêm Việt Nam cần khoảng 4,8 triệu tỷ đồng để phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội, TP. HCM. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Số vốn này dự kiến dành để nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440km; xây 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài hơn 2.600km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545km, tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ dài trên 175km.
Ông Thắng cũng nhắc tới định hướng đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị tại TP. HCM (6 tuyến) và Hà Nội (8 tuyến). “Tuyến Văn Cao – Láng – Hòa Lạc ở Hà Nội đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) với nguồn vốn khoảng 65.000 tỷ đồng”, ông Thắng thông tin.
Trước lời mời hợp tác từ Thủ tưởng Phạm Minh Chính, phía Trung Quốc gồm CRSC, Tập đoàn toa xe Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn Huawei và Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh đều mong muốn được đồng hành, hợp tác thực hiện các dự án đường sắt tại Việt Nam.
>> Điểm chung đặc biệt của 1 loạt các ‘siêu cổ phiếu’ có mức tăng như ‘tên lửa’ trong năm 2024