Chi tiết

Chuyên gia chỉ điểm một cổ phiếu ngân hàng nhóm VN30 có tiềm năng tăng trưởng 2 chữ số

Theo ACBS, cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm sẽ có phần nghiêng về nhóm VN30 (trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn).

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm, Chứng khoán ACB (ACBS) khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên sử dụng chiến lược “Stock pick”, lựa chọn các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận năm 2024 – 2025 vững chắc, tài chính lành mạnh, định giá phù hợp trong các nhóm ngành được hưởng lợi trung hạn gồm: ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp xây dựng công nghiệp, vận tải, công nghệ, bán lẻ.

Mặt khác, ACBS nhận thấy định giá nhóm VN30 cũng vẫn còn hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu vốn hoá trung bình (VNMidcap) có tỷ lệ tăng giá tốt nhất kể từ đầu năm với 19,4%. Trong khi cổ phiếu VN30 có mức tăng tương đương VN-Index là 9,9%, còn nhóm VNSmallcap chỉ tăng 4,2%.

Mặc dù nhóm VN30 tăng so với đầu năm, nhưng nền định giá P/E vẫn thấp hơn trung vị giai đoạn năm 2020 – 2024 khá nhiều (13,4).

Vì vậy, với triển vọng lợi nhuận khó có thể bứt phá trong 1-2 quý tới, việc điều chỉnh trên diện rộng đối với các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là phù hợp.

Cơ hội trong nửa cuối năm sẽ có phần nghiêng về nhóm VN30 (trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn), đặc biệt trong bối cảnh FED hạ lãi suất và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia trở lại thị trường.

Chuyên gia chỉ điểm một cổ phiếu ngân hàng nhóm VN30 có tiềm năng tăng trưởng 2 chữ số
Nguồn: ACBS

Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) mới đây đã đưa ra khuyến nghị 10 cổ phiếu cho tháng 8 trong đó có đến một nửa là cổ phiếu ngân hàng.

Đứng đầu danh sách là cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), một NHTM Quốc doanh có quy mô tổng tài sản lớn thứ 4 toàn ngành và vị thế dẫn đầu về lợi nhuận trong nhiều năm liên tiếp.

Mối quan tâm hàng đầu của thị trường hiện nay là chất lượng tài sản ngân hàng thì VCB vẫn tương đối ổn định trong quý II.

Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ 2bps so với quý I, xuống còn 1,2%, trong khi tỷ lệ nợ xấu gộp giảm nhiều hơn, giảm 22bps xuống mức 1,56%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ghi nhận cải thiện nhẹ khi tăng 12,3% lên mức 212,1%. Mặc dù đa phần các chỉ số chất lượng tài sản có sự suy giảm tương đối trong 6 tháng đầu năm 2024, so với mặt bằng chung, các chỉ số này vẫn tỏ ra vượt trội với triển vọng ổn định.

Tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cũng tích cực trở lại, tăng 9%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 20.835 nghìn tỷ, tăng 1,6% và hoàn thành 49,6% kế hoạch năm.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024, các hoạt động thương mại quốc tế dự kiến sẽ phục hồi dần, hỗ trợ thu nhập ngoài lãi của VCB gia tăng tốt hơn.

Thêm vào đó, áp lực dự phòng của VCB không quá đáng kể, nhờ nền tảng về chất lượng tài sản, lãi suất hợp lý, tăng trưởng tín dụng thấp trong các năm khó khăn, và dư nợ liên quan đến bất động sản không quá cao.

Do đó, MAS khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 100.800 đồng/cp, cao hơn 15% so với giá đóng cửa phiên 15/8.



Nguồn tin