Chi tiết

Chuyên gia hiến kế quản lý thị trường vàng

Đánh giá về những diễn biến bất thường của thị trường vàng thời gian qua, PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh, Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh (Học viện Tài chính), cho rằng trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, việc chênh lệch giá vàng đã làm tăng các hoạt động buôn lậu vàng và tăng xu hướng “sùng bái vàng”, thậm chí là “tiền tệ hóa” vàng và tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm gắn với việc sản xuất và kinh doanh vàng trên thị trường trong nước.

NGUYÊN NHÂN CƠN SỐT VÀNG VẪN ÂM Ỉ

Theo bà Võ Thị Vân Khánh, sự chênh lệch và cơn sốt săn vàng miếng khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ, chôn tài sản trong vàng.

Đồng thời, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất, khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn trong khi xu hướng vàng hóa, tiền tệ hóa vàng SJC trỗi dậy.

Phân tích nguyên nhân gây nên cơn sốt vàng, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lưu ý 2 yếu tố.

Thứ nhất, giá vàng thế giới thời gian qua tăng mạnh, có thời điểm tăng đến 2.413,8 USD/ounce vì giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới sẽ suy thoái trong năm 2024.

Vàng cũng phản ứng ngược với giá trị đồng USD, giá USD đang giảm đã thúc đẩy giá vàng tăng, thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh trong năm 2024.

Một sự hỗ trợ quan trọng khác cho việc tăng giá vàng, đó là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là ngân hàng trung ương Trung Quốc tích cực gia tăng mua vào, năm 2022 ghi nhận hơn 1.100 tấn mua vào, tương đương 30% tổng sản lượng vàng sản xuất trên toàn thế giới.

Thứ hai, ở trong nước, nguyên nhân gây bất ổn của thị trường vàng là do mất cân đối cung – cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao. Về cung vàng, trong hơn 10 năm qua nước ta không hề nhập khẩu vàng chính ngạch.

 

PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.
PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.

“Cầu tăng cao một phần do mua rồi lướt sóng, phần khác là do nhu cầu tích lũy. Người dân Việt Nam có thói quen giữ vàng để đảm bảo tài sản và đầu cơ, nhất là khi kinh tế còn khó khăn.

Vàng cũng có tính thanh khoản tốt nên được nhiều người dân quan tâm.

Cùng với đó, các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản đang trở nên bất định, kém hấp dẫn, cùng với lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, là môi trường lý tưởng để “tạo sóng” với bất kỳ loại tài sản nào, trong đó có vàng”.

 

Theo vị chuyên gia này, tâm lý đám đông rất dễ bị thu hút bởi “sóng”. “Sóng” càng cao càng dễ hút tiền, bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý đám đông như vậy.

Bên cạnh đó, thị trường vàng Việt Nam thiếu nơi giao dịch tập trung, thay vào đó, rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này tạo ra sự không minh bạch về giá và tạo điều kiện cho khả năng thao túng giá, tạo mảnh đất đầu cơ.

Về cơ chế quản lý kinh doanh vàng, theo ông Long, Việt Nam hiện chỉ quan tâm, tập trung chủ yếu và phụ thuộc rất nhiều vào vàng vật chất (vàng miếng và vàng trang sức) mà chưa đa dạng hóa sản phẩm vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản/kỳ hạn).

“LIỆU CƠM GẮP MẮM”

Trước những biến động khó lường của thị trường vàng trong nước và thế giới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị quyết, công điện, chỉ thị và các văn bản có liên quan về các giải pháp bình ổn, quản lý thị trường vàng.

Trước yêu cầu cấp bách đặt ra, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp bao gồm thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đồng thời đánh giá lại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ban hành ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Sau khi khởi động lại việc đấu thầu vàng miếng không đạt mục tiêu, ngày 3/6/2024 Ngân hàng Nhà nước chuyển sang phương thức bán vàng miếng SJC trực tiếp ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC theo giá Ngân hàng Nhà nước quy định, chênh lệch giá mua vào, bán ra chỉ 1 triệu đồng/lượng, các ngân hàng không có lợi nhuận trong nghiệp vụ ủy thác này.

Các diễn giả tham gia tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức. Ảnh: Việt Dũng.
Các diễn giả tham gia tọa đàm “Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức. Ảnh: Việt Dũng.

Cùng vào cuộc theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Tổng cục Thuế và cục thuế các địa phương tích cực nắm bắt tình hình hoạt động và triển khai nhiều giải pháp, nổi bật là siết chặt quản lý và hối thúc buộc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua bán vàng, hoặc sẽ bị rút giấy phép.

Theo cập nhật mới nhất, cuối năm 2023 có trên 7.000 doanh nghiệp không phân biệt quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng bạc, đá quý, đồ trang sức.

Hiện có 100% doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử trang bị máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Sau khi nhận tiền thanh toán, nhân viên bán hàng sẽ khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền và gửi hóa đơn cho khách hàng. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh quản lý rủi ro, chống thất thu thuế và đảm bảo minh bạch trong hoạt động kinh doanh vàng.

Sau nhiều nỗ lực, hiện chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới giảm xuống còn 4-5 triệu đồng/lượng, từ mức gần 20 triệu đồng/lượng. Từ giữa tháng 6/2024 khi chuyển sang đăng ký mua vàng trực tuyến, không còn cảnh xếp hàng lấy số, lượng khách hàng đăng ký mua vàng giảm rất mạnh, song theo ghi nhận, người dân vẫn nhọc nhằn khi mua vàng trực tuyến.

Theo nhìn nhận của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính – bất động sản toàn cầu, bình ổn thị trường vàng có hai mặt.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước thành công trong việc kéo giá vàng từ mức đỉnh 92,2 triệu đồng/lượng xuống 77 triệu đồng/lượng. 

Tuy nhiên, yếu tố thứ hai khi bình ổn thị trường vàng là đảm bảo nguồn cung dồi dào, để người mua không phải chầu chực xếp hàng, có tiền là mua, thì lại chưa đáp ứng được. Hiện số người mua được vàng rất khiêm tốn do số lượng cung vàng hiện rất ít.

“Thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào và kéo giá giảm. Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước cung ứng nhiều hơn, trong đó, phải sửa đổi Nghị định 24”, ông Hiếu bày tỏ.

ĐONG ĐẾM LỢI, HẠI KHI ĐÁNH THUẾ GIAO DỊCH VÀNG

Bình luận về ý tưởng đánh thuế giao dịch vàng để xốc lại thị trường về dài hạn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nên đánh thuế vào số tiền bán vàng, vì nhiều khi khó xác định giá mua trong nhiều trường hợp vàng được cho, tặng nên không thể đánh thuế chênh lệch.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng chính sách này không chỉ giảm nhu cầu về vàng của người dân và các nhà đầu tư, ngăn đầu cơ và thao túng giá, mà còn thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, tạo sự công bằng giữa các kênh đầu tư vàng – chứng khoán – bất động sản, đây cũng là phương sách để chống “vàng hóa” nền kinh tế…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2024 phát hành ngày 08/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyên gia hiến kế quản lý thị trường vàng - Ảnh 1

Source link