Chi tiết

Chuyên gia kiến nghị giảm tiếp 0,5% lãi suất điều hành

Mặt bằng lãi suất cho vay chưa hạ nhanh

Trong văn bản kiến nghị Quý III/2024 gửi các Bộ ngành và đại biểu Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nhận định, năm 2024, kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có những khó khăn, diễn biến phức tạp. Lạm phát và lãi suất tại các nền kinh tế phát triển vẫn còn cao. Giá dầu thô cao, chi phí vận tải biển tăng gấp nhiều lần, một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa phục hồi. Công nghệ 4.0; trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ.

Trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhờ giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức như: sức ép lạm phát còn lớn, mặt bằng lãi suất cho vay chưa hạ nhanh, tăng trưởng đầu tư tư nhân vấn thấp hơn nhiều so với trước COVID 19 và thấp nhất so với các nhóm khác (đầu tư FDI, đầu tư công), tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6/2024 mới đạt 3,70% so với cuối năm 2023 (tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cùng kỳ năm 2023), tỷ lệ nợ xấu tăng cao, tỷ giá VND/USD biến động lớn, giá vàng tăng cao nhất trong lịch sử. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) diễn ra chậm. Thị trường bất động sản (BĐS) chưa phục hồi. Thị trường chứng khoán diễn biến bất thường, nhiều rủi ro khó lường. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các vụ lừa đảo giao dịch tiền trên không gian mạng và ngân hàng số diễn biến phức tạp. Thu ngân sách Nhà nước và giải ngân vốn đầu tư trong quý I/2024 đạt khá hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế, bỏ sót nguồn thu và các tiêu cực khác vẫn diễn ra phức tạp. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Thực trạng nói trên đòi hỏi các cấp các ngành, Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giảm lãi suất, giảm phí…

Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia NEU kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn về mặt lãi suất, đảm bảo thị trường tiền tệ ổn định và an toàn

Theo đó, NHNN cần khẩn trương tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và biện pháp quản lý thuộc chức năng. Cụ thể: Giảm 0,5% tất cả các loại lãi suất điều hành; Giảm phí thông tin tín dụng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và đề nghị cấp có thẩm quyền giảm phí Bảo hiểm tiền gửi; Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, riêng đối với cho vay nông nghiệp nông thôn áp dụng tỷ lệ là 0%.

NHNN cũng nên bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế; Sửa đổi các tiêu chí/điều kiện tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi (đặc biệt là về nhà ở xã hội) để các chính sách này khả thi hơn. Linh hoạt cấp hạn mức tín dụng cho các NHTM có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt. Tốt nhất NHNN nên bỏ hạn mức tín dụng, thay vào đó là các cơ chế và biện pháp đảm bảo an toàn tín dụng, an toàn của ngân hàng.

Các chuyên gia NEU cũng kiến nghị NHNN khẩn trương triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán” (Hệ thống SIMO), hoàn thiện và đẩy mạnh khai thác “Hệ thống thu thập thông tin trực tuyến” (Hệ thống ODCS) để kết nối, truy vấn, thu thập, giám sát số dư tài khoản đảm bảo thanh toán của các tổ chức trung gian thanh toán (TCTGTT).

NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; tăng vốn điều lệ cho các NHTM sở hữu của nhà nước, quản lý thị trường trái phiếu, thuế của các TCTD, các nghiệp vụ khác có liên quan đến sự phát triển an toàn của thị trường tiền tệ.

Các TCTD  cần tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay (ảnh: BIDV)

Đối với các TCTD, chuyên gia NEU đề nghị các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh;

Khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ;

Tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngân hàng chính sách xã hội cần giảm lãi suất cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo xuống bình quân chỉ khoảng 5%, giảm lãi suất cho vay các đối tượng vay vốn tại ngân hàng thấp hơn từ 1,5 – 2% /năm.

NHNN cần giảm họp để tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật
Trong bản kiến nghị, chuyên gia NEU thẳng thắn đề nghị NHNN giảm bớt các văn bản chỉ đạo, cuộc họp hành chính và hình thức. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; Sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của TCTD để đồng bộ với các quy định tại Luật các TCTD 2024. NHNN sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định s4/NĐ-CP ngày 3/4/2012 và Thông tư 16/2022/TT-NHNN quy định về hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với Luật Các TCTD 2024 và thực tiễn thị trường.
Trong đó đề nghị bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế. Đặc biệt, NHNN cần kiên định điều hành ổn định tỷ giá, thực hiện mua bán can thiệp 2 chiều trên thị trường ngoại tệ.



Nguồn