Chi tiết

Chuyên gia VNPT đưa giải pháp phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng

Giám đốc VNPT Generative AI Lê Anh Văn cho rằng yêu cầu khắt khe, đa dạng của thị trường và thái độ không bỏ cuộc sẽ tạo ra những nhân sự AI chất lượng.

Thông điệp trên được TS Lê Anh Văn chia sẻ trong bài tham luận với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực AI từ góc nhìn thực tiễn” tại Ngày hội Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2024, tổ chức hôm 23/8.

Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2024, Việt Nam đã liên tục đạt được những bước tiến trong suốt ba năm qua. Tuy nhiên, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) chỉ ra rằng nước ta hiện có khoảng 700 người làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực AI, trong đó chỉ có 300 chuyên gia, một con số rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

TS Lê Anh Văn cho biết đây là thách thức chung của nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, không chỉ riêng VNPT.

Thực tiễn thị trường tạo ra nhân lực AI chất lượng

Để giải quyết vấn đề này, VNPT đã triển khai chiến lược đào tạo nhân lực AI dựa trên phát triển các sản phẩm AI thực tiễn từ 5 năm trước. Những sản phẩm AI này có đầu ra rõ ràng, phục vụ tập khách hàng lớn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe và đa dạng của thị trường. Ông Văn cho biết, việc đối mặt với các bài toán khó và sự cạnh tranh từ các đối thủ trong, ngoài nước sẽ tạo ra đội ngũ nhân sự AI lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng.

TS. Lê Anh Văn chia sẻ chiến lược đào tạo nhân lực AI dựa trên phát triển các sản phẩm AI thực tiễn, tại AI4VN 2024. Ảnh: Giang Huy

TS. Lê Anh Văn chia sẻ chiến lược đào tạo nhân lực AI dựa trên phát triển các sản phẩm AI thực tiễn, tại AI4VN 2024. Ảnh: Giang Huy

“Với cách tiếp cận này, điều quan trọng nhất là phải có định hướng, mục tiêu rõ ràng và liên tục thích nghi trong quá trình phát triển”, ông Lê Anh Văn nhấn mạnh trong bài tham luận và nói thêm, trong quá trình thực thi chiến lược trên, các kỹ sư AI tại VNPT đã liên tục cập nhật, đổi mới, sáng tạo không ngừng.

Thông qua xây dựng những nền tảng có quy mô xử lý hàng tỷ lượt yêu cầu hay những bài toán dữ liệu lớn có quy mô hàng chục tỷ bản ghi, và gần đây là những dịch vụ đòi hỏi làm chủ các công nghệ mới như Generative AI, nguồn nhân lực tại VNPT đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế.

Khởi đầu với VNPT eKYC, trải qua 5 năm phát triển, sản phẩm này đã trở thành nền tảng AI định danh điện tử đầu tiên tại Việt Nam xử lý vượt 1 tỷ yêu cầu vào tháng 3/2024. VNPT eKYC được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế về chuẩn hóa thông tin thuê bao và mở tài khoản giao dịch trên môi trường số. Các kỹ sư VNPT AI đã làm chủ nhiều mô hình AI tương thích trên nhiều thiết bị phần cứng, đáp ứng đa dạng hệ điều hành, nền tảng khác nhau, cũng như các yêu cầu mở rộng hạ tầng (scale) khi tập khách hàng ngày càng lớn mạnh.

Năm 2023, khi sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài trở lên khốc liệt, tập đoàn này đã tập trung nguồn lực vào việc nâng cao chất lượng mô hình AI để đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) và nhận chứng nhận ISO30107-3 về chống giả mạo khuôn mặt từ iBeta.

Ví dụ thứ hai mà TS. Lê Anh Văn chia sẻ là nền tảng AI xử lý hình ảnh VNPT SmartVision. Nền tảng mô hình AI đa tác vụ này gồm hơn 40 mô hình khác nhau chạy trên cùng một phần cứng, triển khai trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu đặc thù của Việt Nam như phát hiện các hành vi vi phạm giao thông, cảnh báo cháy, phát hiện vũ khí… Đây là những ưu điểm giúp VNPT SmartVision được sử dụng tại hơn 30 tỉnh, thành phố.

Đại diện nhóm kỹ sư VNPT AI (bên trái) phát triển nền tảng VNPT SmartVision đạt giải nhất tại AI City Challenge 2024. Ảnh: VNPT

Đại diện nhóm kỹ sư VNPT AI (bên trái) phát triển nền tảng VNPT SmartVision đạt giải nhất tại AI City Challenge 2024. Ảnh: VNPT

Với yêu cầu cần đáp ứng đa dạng điều kiện khác nhau khi triển khai thực tế, các mô hình AI của VNPT SmartVision qua đó liên tục được tối ưu. Hồi tháng 6, VNPT SmartVision đã vượt qua hơn 400 nhóm, đội ngũ quốc tế để đạt giải nhất tại cuộc thi AI City Challenge 2024 trong khuôn khổ CVPR – Hội nghị hàng đầu thế giới về AI xử lý hình ảnh.

Ngoài lĩnh vực trên, Generative AI của VNPT đang được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để nâng trải nghiệm khách hàng trên nhiều điểm chạm. Theo doanh nghiệp này, GenAI tích hợp trên nền tảng chat giúp giảm 85% số phiên chat cần con người xử lý, tăng 10% độ hài lòng của khách hàng. AI tạo sinh cũng được tích hợp trong hệ thống tổng đài thông minh, giúp tự động hóa khâu tóm tắt, tổng hợp vấn đề, điểm tốt – chưa tốt trong từng cuộc hội thoại, khối lượng xử lý 2-3 triệu cuộc gọi mỗi tháng.

Công nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Ảnh: VNPT

Công nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Ảnh: VNPT

Ông Văn nhấn mạnh việc phát triển và ứng dụng Generative AI đã mở ra nhiều cơ hội mới cho đội ngũ kỹ sư VNPT nâng cao kỹ năng chuyên môn, bao gồm khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn, xây dựng, triển khai các mô hình ngôn ngữ lớn với hàng tỷ tham số, tối ưu hóa hiệu năng trên các hệ thống tính toán quy mô lớn.

Đối với một tập đoàn lớn, nhiều triệu khách hàng như VNPT thì AI phân tích dữ liệu lớn là một lĩnh vực cũng rất quan trọng. Những dự án có quy mô rất lớn như phân tích hàng tỷ sự kiện người dùng trên MyTV để thấu hiểu hành vi và gợi ý người dùng các chương trình phù hợp theo thời gian thực, hay đồng hành với các tổ chức lớn như Bảo hiểm xã hội để phân tích hơn 20 tỷ bản ghi bảo hiểm y tế nhằm phát hiện gian lận, đã rèn luyện cho các kỹ sư VNPT kỹ năng xử lý và phân tích dữ liệu lớn, khả năng diễn giải kết quả trực quan, đồng thời đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo mật thông tin và đạo đức AI.

Nhân lực chất lượng tạo ra hệ sinh thái AI toàn diện

Chính từ những thực tiễn trên đã giúp VNPT AI hiện tại có 80 chuyên gia AI và các kĩ sư khoa học dữ liệu, cùng hơn 200 kỹ sư phần mềm, hệ thống và nền tảng. Sau đó những nhân sự này cùng nhau hoàn thiện, phát triển hệ sinh thái VNPT AI ngày càng toàn diện hơn với hơn 100 AI engines phục vụ nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho hơn 100 tổ chức và doanh nghiệp.

Nhìn về tương lai, ông Lê Anh Văn nhấn mạnh thêm một lần nữa, để phát triển nguồn nhân lực AI chất lượng, cần bắt đầu bằng những mục tiêu cụ thể, thiết thực, với những tiêu chuẩn cao và khắt khe. “Thực tiễn sẽ là người thầy tốt nhất, tạo ra nguồn nhân lực AI khác biệt. Khi đã có một đội ngũ nhân sự AI chất lượng, Việt Nam sẽ có cơ hội tạo ra những sản phẩm AI với khả năng cạnh tranh sòng phẳng cùng các đối thủ quốc tế, góp phần nâng cao vị thế nước nhà trên bản đồ trí tuệ nhân tạo thế giới”, ông nói.

Ngày hội AI4VN do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Sau 6 năm tổ chức, AI4VN trở thành diễn đàn quốc gia quan trọng, tập hợp nguồn lực thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Tuấn Vũ


Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-vnpt-dua-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-ai-chat-luong-4785286.html