Chi tiết

Chuyện “nóng” tại đại hội công ty chứng khoán

Tăng vốn điều lệ lên gần 14.600 tỷ đồng là một trong những nội dung thảo luận chính tại đại hội cổ đông Công ty Chứng khoán VIX năm 2024

(ĐTCK) Ngoài kỳ vọng tăng trưởng, câu chuyện tăng vốn cũng như gia tăng bảo mật hệ thống là vấn đề “nóng” nhất tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của khối công ty chứng khoán.

Tăng vốn, cuộc đua chưa có điểm dừng

Sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán cùng kỳ vọng hệ thống giao dịch mới KRX được vận hành trong năm 2024 đang tạo động lực cho các công ty chứng khoán tăng vốn để đón đầu cơ hội.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã thông qua kế hoạch phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ở phương án thứ nhất, MBS sẽ chào bán hơn 109,4 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 25% số lượng cổ phiếu trước phát hành cho các cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1 và giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với phương án phát hành riêng lẻ, MBS sẽ chào bán tối đa hơn 28,7 triệu cổ phiếu cho dưới 30 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định pháp luật, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Giá chào bán thỏa thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách cổ phiếu MBS tại báo cáo tài chính được soát xét tại thời điểm trước ngày Hội đồng quản trị thông qua Nghị quyết triển khai phương án phát hành. Số cổ phần riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm.

Nếu cả hai đợt phát hành thành công, MBS thu về tối đa gần 1.425 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ dùng nguồn vốn này để cung ứng cho hoạt động cho vay margin (594 tỷ đồng), bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành (450 tỷ đồng), đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin (50 tỷ đồng)…

Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) cũng cho biết, thị trường chứng khoán năm 2024 dự kiến sẽ khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của các doanh nghiệp, kết hợp với việc lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp và định giá doanh nghiệp đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn. Trong năm 2024, VCI sẽ thực hiện tăng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng. Thứ nhất, Công ty sẽ phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), với giá bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng thu về gần 53 tỷ đồng. Thứ hai, Công ty sẽ phát hành 132,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ nhận được về 3 cổ phiếu mới. Thứ ba, chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024, sau khi hoàn thành việc phát hành ESOP và cổ phiếu thưởng.

Đại hội cổ đông Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng thông qua kế hoạch tăng vốn qua phát hành tối đa 114 triệu cổ phiếu. Trong đó, Công ty dự phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 24,15 triệu đơn vị, ESOP 8,85 triệu đơn vị và chào bán riêng lẻ 81 triệu đơn vị. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VDSC sẽ tăng gấp rưỡi, lên 3.230 tỷ đồng. Phương án chào bán riêng lẻ sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành trả cổ tức và phát hành ESOP.

VDSC chia sẻ, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp Công ty chủ động, linh hoạt hơn trong sử dụng nguồn lực tài chính, giảm áp lực huy động vốn từ các nguồn khác, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường và tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu được sẽ sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia thị trường trái phiếu…

Ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng cho biết, CTS sẽ thực hiện tăng vốn trong năm nay, sau khi được cấp phép.

“Tăng vốn là việc cần phải làm đối với các công ty chứng khoán trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tăng vốn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai để phù hợp với quy mô thị trường và đón đầu việc nâng hạng thị trường”, ông Vinh cho biết.

Hầu hết các công ty chứng khoán đều chia sẻ, việc tăng vốn để bổ sung các nghiệp vụ, trong đó chủ yếu là để mở rộng nguồn cung cho vay ký quỹ (margin) – mảng có đóng góp lớn nhất trong hoạt động của các công ty chứng khoán, với tỷ trọng trung bình khoảng 40% tổng lợi nhuận gộp. Như chia sẻ của lãnh đạo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong năm 2024, doanh thu mảng cho vay ký quỹ ước đạt tỷ trọng hơn 48%, trong khi môi giới ước đạt 26% và hoạt động tự doanh đạt 17,5%.

Đến cuối quý I/2024, tổng dư nợ margin toàn thị trường ước tính quay về vùng đỉnh của năm 2021, khi đạt xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thời điểm cuối năm 2023. Mặc dù dư nợ margin biến động theo thị trường nhưng đây vẫn là mảng kinh doanh còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn.

“Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp bổ sung nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… Những hoạt động này có thể giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn”, ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC chia sẻ.

Thực tế cho thấy, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra sôi động từ nửa cuối năm 2023 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đứng trước giai đoạn bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam khi đang dần tiến đến việc nâng hạng thị trường, cũng như hệ thống giao dịch mới sắp đi vào hoạt động, khối công ty chứng khoán lại càng có động lực để thực hiện tăng vốn.

Nâng cấp hệ thống bảo mật

Sự kiện hệ thống giao dịch của Công ty Chứng khoán VNDirect bị tin tặc quốc tế tấn công hồi cuối tháng 3/2024, khiến hệ thống này phải ngưng hoạt động trong 1 tuần là hồi chuông cảnh báo với các công ty chứng khoán về vấn đề bảo mật. Đây cũng là vấn đề được nhiều cổ đông đặt câu hỏi với lãnh đạo các công ty chứng khoán trong năm 2024.

Tại đại hội cổ đông của DSC, diễn ra ngày 25/3/2024, đúng ngày hệ thống của VNDirect bị tấn công, ông Bạch Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, bất kể công ty chứng khoán trong nước hay quốc tế, một khi phát triển đủ lớn sẽ không tránh khỏi sự chú ý của hacker. Từ năm 2023, DSC đã chuyển hướng hoàn toàn sang giao dịch online, nên Công ty xác định việc có thể gặp những trường hợp bị cá nhân, tổ chức có mục đích xấu tác động nên càng phải tăng cường tính bảo mật kinh doanh, đặc biệt mảng môi giới.

Còn tại đại hội cổ đông của VCI, diễn ra vào ngày 2/4, ông Tô Hải, Tổng giám đốc VCI cho biết, vấn đề an ninh mạng đã được Công ty chú trọng từ nhiều năm nay. Cách đây 4 năm, Công ty đã tuyển một nhân sự có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này trên thị trường quốc tế về làm việc.

“Thời điểm hiện tại thì hệ thống của VCI ổn định, tăng cường bảo mật, kiểm soát hệ thống, nhưng an toàn tuyệt đối thì rất khó nói”, ông Hải nói.

Các công ty chứng khoán cũng cho biết đã tập trung rà soát công tác bảo mật, thậm chí đã đưa ra các biện pháp ứng phó khi có rủi ro, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thậm chí, một số công ty cho biết đã tổ chức diễn tập ứng phó với tình huống hệ thống bị tin tặc tấn công.

Chia sẻ trước đại hội cổ đông, diễn ra vào ngày 2/4, ông Vũ Đức Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cho biết, Công ty xác định 2024 là năm bản lề nâng cấp hệ thống công nghệ để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, tư vấn cho khách hàng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-nong-tai-dai-hoi-cong-ty-chung-khoan-post343834.html