Thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian
Tại Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được Bộ KH&ĐT công bố, Bộ KH&ĐT khẳng định, để xây dựng TTTC thì Việt Nam cần cho áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ (và cả hàng hoá), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Do đó, khung pháp lý áp dụng cho TTTC sẽ khác biệt so với các quy định pháp luật hiện hành (gồm: đặc thù về phát triển hạ tầng từ đầu tư công và đầu tư tư nhân, về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực tài chính; ưu đãi về thuế, phí, lệ phí; thu hút nhân lực chất lượng cao; đặc thù về tạo lập và vận hành các sàn giao dịch…) nên các cơ chế, chính sách này cần được thực hiện có kiểm soát, theo lộ trình và trong giới hạn không gian địa lý xác định (các vị trí xác định xây dựng TTTC tại TP Hồ Chí Minh và Đã Nẵng}.
Bộ KH&ĐT kiến nghị định hướng các cơ chế chính sách xây dựng TTTC, được chia thành 3 nhóm: Các chính sách áp dụng ngay (Nhóm 1); Các chính sách áp dụng theo lộ trình để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam (Nhóm 2); Và các chính sách cần tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc sau năm 2035 (Nhóm 3).
Trong đó, ngoài các vấn đề về thủ tục hành chính (đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thành viên), ngôn ngữ sử dụng, xuất nhập cảnh…, nổi lên là các cơ chế, chính sách liên quan đến: Phát triển thị trường vốn; Đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực …
Đối tượng áp dụng của các chính sách trong TTTC là các tổ chức được đăng ký thành viên và có sự hiện diện thương mại trong khu vực phạm vi của TTTC.
Sandbox, giảm thuế và sàn giao dịch chuyên biệt…
Theo Bộ KH&ĐT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy phát triển thị trường vốn (cùng với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng) là một trong những cấu phần nền tảng để phát triển thị trường tài chính nói chung và TTTC nói riêng. Các cơ chế, chính sách nổi trội cho TTTC cũng tập trung chủ yếu đối với thị trường vốn.
Với nhóm 1, Bộ KH&ĐT đề xuất, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), đi kèm với phân cấp quyền quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro trong hoạt động fintech cho Cơ quan quản lý, điều hành TTTC, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hoá, tiền mã hoá.
Đặc biệt, có cơ chế ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành đối với hoạt động tài chính xanh trong phạm vi TTTC (như mua bán tín chỉ các-bon, tài trợ vốn cho các dự án xanh…); Đơn giản hóa thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động và cung cấp dịch vụ trong TTTC so với quy định hiện hành (Luật các Tổ chức tín dụng); Ban hành một số quy định đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán của TTTC Việt Nam theo thông lệ của các TTTC lớn.
Đồng thời áp dụng thông lệ quốc tế về chuẩn mực kế toán, tài chính, báo cáo tài chính và các thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG). Trong đó, cho phép các chủ thể trong TTTC tự do lựa chọn chuẩn mực báo cáo tài chính, trường hợp đã thực hiện theo thông lệ quốc tế thì không cần thực hiện theo quy định trong nước.
Ngoài ra có chính sách ưu đãi cho các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến TTTC Việt Nam (như ưu đãi về thuế, phí…); Xây dựng hệ thống thông tin thị trường minh bạch và chuyên sâu; cải thiện cơ cấu và quy định quản lý rủi ro để tăng tính cạnh tranh, bao gồm quản lý rủi ro hoạt động (ORM), quản lý rủi ro thị trường (MRM), đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng (CRM).
Vói nhóm 2, Bộ KH&ĐT, sẽ có các cơ chế chính sách đặc thù về: Hoạt động hoạt hối trong TTTC; Khuyến khích thành lập các công ty holding (công ty có chức năng đầu tư vốn vào công ty khác); Phát triển thị trường tiền tệ, ngân hàng: Thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho TTTC; Triển khai một số giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm; Tiếp tục phát triển các sản phẩm, giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa; Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân hoạt động trong TTTC …
Với nhóm 3, tiến tới áp dụng án lệ; Xây dựng cơ chế ưu đãi (bao gồm các loại thuế) chuyên biệt, vượt trội; Thiết lập khung pháp lý và vận hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương quốc gia (CBDC)…
Đánh giá sự phù hợp của các chính sách tại Nhóm 2 với các quy định hiện hành tại Việt Nam, Bộ KH&ĐT cho rằng, các chính sách có sự khác biệt so với quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hoạt động, cấp phép, giám sát… trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Pháp lệnh ngoại hối, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ luật Lao động, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân… Bên cạnh đó, để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính (fintech), như tài sản mã hóa, các mô hình ứng dụng công nghệ chuỗi khối phân tán (blockchain) nhằm tạo lập các sản phẩm “đặc thù”, mang tính cạnh tranh cho TTTC ở Việt Nam, các quy định mới, “đặc thù” cần được xác lập, nhằm tập trung vào việc quản lý, xử lý các rủi ro.
Ưu đãi đầu tư vượt trội về thuế, đất đai, thủ tục…
Tại Đề án, Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, được lựa chọn hình thức cho thuê đất…) để thu hút nhà đầu tư chiến lược để đầu tư xây dựng hạ tầng TTTC gắn với các cam kết, nghĩa vụ về đầu tư và phát triển TTTC đảm bảo quy mô, hiệu quả hoạt động của TTTC theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho TTTC được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước (cấp Trung ương và địa phương) và nguồn đầu tư xã hội (có thể được huy động từ nhà đầu tư chiến lược và các tổ chức/định chế tài chính thành viên TTTC).
Bộ cũng đề xuất giao Cơ quan quản lý, điều hành TTTC ban hành Kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ TTTC trong các giai đoạn sau; cho phép có cơ chế đặc thù để trực tiếp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Đặc biệt, Đề án cũng đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội trong TTTC.
Theo đó, tại văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thành lập TTTC, giao Cơ quan có thẩm quyền ban hành một số cơ chế ưu đãi thuế đặc thù, vượt trội cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng hạ tầng TTTC và các chủ thể đầu tư tại TTTC (miễn, giảm một số thủ tục đăng ký đầu tư, góp vốn kinh doanh; được hưởng các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, sở hữu các bất động sản du lịch…) .
Về đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, Bộ KH&ĐT đề xuất hỗ trợ tài chính, giao Cơ quan quản lý, điều hành TTTC hình thành kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính, dịch vụ tài chính. Đặc biệt, cần có chiến lược và kế hoạch đào tạo bài bản, gắn với các chuẩn mực quốc tế và nhu cầu của nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả trong quá trình triển khai.
Theo đó, có thể triển khai đồng thời 2 – 3 giải pháp chính như: Phối hợp với các Hiệp hội, tổ chức uy tín quốc tế trong lĩnh vực tài chính, kế toán trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam; Nghiên cứu khả năng thu hút một số Đại học uy tín trong lĩnh vực tài chính thành lập phân viện hoặc hình thành các trung tâm đào tạo chuyên biệt cho TTTC tại Việt Nam; Tổ chức đào tạo chuyên sâu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính quốc tế thông qua các chương trình hỗ trợ kĩ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế, hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Lộ trình triển khai
1. Giai đoạn từ năm 2025-2030: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội với hình thức phù hợp về phát triển TTTC tại Việt Nam; tổ chức thực hiện ngay các nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; Đồng thời thí điểm theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội quy định khung chính sách để phát triển TTTC, sau đó giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể (nếu cần).
2. Giai đoạn từ năm 2030-2035: Tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình 06 nhóm chính sách thông dụng tại các TTTC lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
3. Sau năm 2035: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện các chính sách đã được thực hiện ngay (nhóm 1) và có lộ trình áp dụng (nhóm 2), tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về việc ban hành và thực hiện các chính sách cần tiếp tục cân nhắc cho giai đoạn sau năm 2035 (nhóm 3), phù hợp với vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn tại Việt Nam cũng như xu hướng phát triển của các TTTC quốc tế.