Chi tiết

Cổ đông Nhiên liệu Sài Gòn đề xuất bắt tay với VinFast để đặt trạm sạc

Cổ đông Nhiên liệu Sài Gòn đề xuất bắt tay với VinFast để đặt trạm sạc

Một cổ đông đề nghị lãnh đạo CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (HOSE: SFC) xem xét hợp tác với VinFast để lắp đặt trạm sạc xe điện, nhằm tận dụng các mặt bằng cửa hàng xăng dầu hiện nay.


Một mặt bằng đặt trạm sạc của VinFast

Lời đề nghị của cổ đông trên được SFC ghi lại trong buổi ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024 (từ 01/10/2023 – 30/09/2024) vào ngày 25/12 vừa qua. Theo người này, Công ty sẽ tận dụng được mặt bằng và tăng hiệu quả kinh doanh theo xu thế phát triển hiện nay.

Đáp lại đề xuất trên, lãnh đạo SFC cho biết đã phối hợp với hãng xe điện Việt khảo sát các cửa hàng xăng dầu, nếu đạt chuẩn sẽ tiến hành đầu tư.

Theo website của SFC, Doanh nghiệp đang vận hành 18 cửa hàng xăng dầu, tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thạnh, quận Tân Phú, quận 12 và quận Gò Vấp. Việc tận dụng các mặt bằng cũng được SFC triển khai nhiều năm qua, bao gồm cho thuê, khai thác dịch vụ rửa xe, giữ xe…mang lại nguồn thu đáng kể.

Năm 2024, riêng mảng cho thuê mặt bằng và bất động sản đầu tư giúp doanh nghiệp xăng dầu ghi nhận hơn 20 tỷ đồng doanh thu. Với giá vốn tương ứng chỉ hơn 1.2 tỷ đồng, SFC kiếm được khoảng 19 tỷ đồng từ hoạt động này – con số không nhỏ nếu so với 67 tỷ đồng từ bán lẻ xăng dầu. Đó là chưa tính đến các chi phí khác phục vụ hoạt động bán xăng như lương nhân viên, quản lý…

Cùng với sự trỗi dậy của xe điện, tận dụng mặt bằng để đặt trạm sạc đang trở thành xu hướng kinh doanh mới thời gian gần đây. Theo chính sách của V-GREEN – đơn vị phát triển và vận hành trạm sạc cho xe điện VinFast vừa triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam – các chủ mặt bằng được cam kết mức doanh thu cố định 750 đồng cho mỗi kwh sạc trong tối thiểu 10 năm.

Tính toán sơ bộ từ một cá nhân cho thấy, nếu mỗi ngày có khoảng 5 lượt sạc/cổng, mỗi trụ 2 cổng có thể thu lời từ 18 – 20 triệu/tháng. Lợi thế đáng kể của mô hình này là tận dụng mạng lưới xe điện lớn của VinFast, đặc biệt từ các xe chạy dịch vụ XanhSM.

Tuy nhiên, bài toán hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp, tổ chức lớn hơn có thể phải cần tính đến nhiều yếu tố khác. Trong trường hợp của SFC, lãnh đạo cho rằng sẽ cân nhắc hợp tác ở những mặt bằng lớn vì nếu đặt trạm sạc điện phải đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy, chưa kể sẽ chiếm diện tích làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhất là những cửa hàng có diện tích nhỏ.

Tiền thân là Công ty Chất đốt TPHCM được thành lập từ năm 1975, SFC được cổ phần hoá vào năm 2000 cùng với cái tên như hiện nay, và niêm yết lên sàn HOSE khoảng 4 năm sau đó. 51% vốn của SFC vẫn đang được nắm bởi CTCP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S; trong khi hơn 20% khác thuộc về cổ đông Nhà nước Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro).

Doanh thu trọng yếu của SFC đến từ 18 cửa hàng xăng dầu nói trên, năm 2024 đạt hơn 1.6 ngàn tỷ đồng nhưng biên lợi nhuận thấp. Sau khi trừ chi phí vận hành, Công ty lãi gần 19 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chủ yếu do năm 2023 được hoàn nhập quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại môi trường.


Một trạm xăng của SFC

Tử Kính

FILI

– 14:04 29/12/2024



Source link