Điều này sẽ hấp dẫn lượng vốn ngoại lớn đổ vào TTCK Việt Nam.
TTCK Việt Nam chưa được xem xét nâng hạng trong năm 2024 do chưa đáp ứng được 2/8 tiêu chí.
Nỗ lực của Việt Nam
Tháng 9/2024 vừa qua, FTSE Russell quyết định giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi trong kỳ đánh giá thường niên do 2 tiêu chí còn lại về chu kỳ thanh toán (DvP) vẫn chưa được đáp ứng kể từ đợt đánh giá tháng 3/2024. Được biết, tiêu chí DvP hiện được đánh giá là “còn hạn chế” do thông lệ thị trường bắt buộc phải kiểm tra trước giao dịch. Tức là, quy định pháp luật yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh.
Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng cần cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản, cũng như cơ chế tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch các loại chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp niêm yết. Việc tạo điều kiện cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài sẽ mở ra cơ hội hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Chứng khoán MBS, cho rằng trong năm 2024 TTCK Việt Nam đạt được bước tiến mới khác với những đợt đánh giá trước đó. Đó là FTSE Russell đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với việc cải cách thị trường khi Thông tư số 68/2024/TT-BTC được ban hành ngày 18/9/2024 và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024. Lần đầu tiên tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được phép mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền trước khi đặt lệnh (prefunding). Đây được coi là những giải pháp cuối cùng để Việt Nam hoàn thiện việc nâng hạng trong năm tới.
“Bước ngoặt” cho thị trường
Có thể nói việc Thông tư số 68/2024/TT-BTC có hiệu lực đến đợt xem xét định kỳ tháng 3/2025 là đủ điều kiện để Việt Nam thực hiện và tuyên truyền đến các nhà đầu tư nước ngoài về chính sách mới này. Do vậy, TTCK Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các các tiêu chí trong bộ chỉ số và cơ hội được nâng hạng khi FTSE Russell đánh giá lại trong đợt đánh giá tháng 3/2025 và chính thức có hiệu lực kể từ đợt đánh giá tháng 9/2025. Như vậy, năm 2025 có thể sẽ là một năm bước ngoặt cho TTCK Việt Nam.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Dargon Capital cho rằng, với việc tháo gỡ những nút thắt sẽ thúc đẩy dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các thị trường mới nổi như Việt Nam. Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh, bởi đây là năm cuối trong lộ trình 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Điều này sẽ góp phần tăng cung hàng hóa chất lượng cho TTCK để thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và cũng là điểm cộng nhằm “gây sức ép” cho các tổ chức xếp hạng sớm đưa TTCK Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi.
Hấp dẫn vốn ngoại
Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại lợi ích rất lớn về nhiều mặt cho TTCK Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư và các tổ chức nước ngoài uy tín có quy mô lớn. Bên cạnh đó, TTCK được xếp hạng cao hơn cũng làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn và đa dạng hóa nhà đầu tư tìm tới TTCK Việt Nam.
Theo đánh giá của tổ chức FTSE Russell, việc nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi sẽ mang lại một quy mô vốn khoảng 23 tỷ USD từ các quỹ tham chiếu chỉ số. Trong đó, có 23 tỷ USD tham chiếu các sản phẩm chỉ số theo phân hạng thị trường của FTSE. Đây là một con số khiêm tốn nhưng đối với TTCK Việt Nam, nếu hút được số tiền này sẽ cải thiện giao dịch thanh khoản. Bởi hiện nay giao dịch bình quân của TTCK Việt Nam chỉ đạt từ 15 – 30 nghìn tỷ đồng/phiên. Giao dịch này được đánh giá là quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực châu Á.
Đặc biệt, việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại ý nghĩa biểu tượng cho chất lượng TTCK Việt Nam, tạo đà tiến xa hơn. Sự phân loại này giúp nhà đầu tư hiểu rõ bản chất thị trường, đánh giá rủi ro, nhận diện cơ hội và đưa ra quyết định sáng suốt trong việc phân bổ tài sản. Đồng thời, điều này cũng tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư quốc tế, khi nhiều quỹ sử dụng phân loại này làm chuẩn mực để quyết định quy mô phân bổ vốn.
Source link