(ĐTCK) VN-Index tuần qua điều chỉnh, đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới. Tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp này mở ra cơ hội hạ tỷ trọng các cổ phiếu yếu kém và tích lũy các cổ phiếu chất lượng.
Chứng khoán Mỹ: Áp lực chốt lời
Cả 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong tuần qua, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử, đồng thời đánh giá các kết quả kinh doanh mới được công bố và triển vọng cho nửa cuối năm. Sau giai đoạn tăng trong tháng 5 và 6, biến động hàng ngày đã tăng lên trong những ngày gần đây, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm mạnh nhất tuần khi áp lực chốt lời đối với nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục diễn ra và sự chuyển dịch các nhóm ngành dẫn dắt là mấu chốt chính kéo dài xu hướng của thị trường. Điều này phản ánh triển vọng kinh tế Mỹ đang tốt lên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư giữa các loại tài sản
Trong tuần này, dự kiến hơn 50% công ty thuộc S&P 500 sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, chuyển sự chú ý từ dữ liệu chính trị và kinh tế vĩ mô sang tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Lợi nhuận được dự báo tăng trưởng khoảng 10% so với mức tăng 6% trong quý đầu năm. Trong đó, lợi nhuận nhóm 7 tập đoàn công nghệ khổng lồ (Magnificent 7) được dự đoán tăng 30%.
Ở góc độ vĩ mô, báo cáo GDP mới nhất cho thấy, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý II/2024, vượt qua ước tính đồng thuận là 1,9%. Đây là sự gia tăng đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 1,4% của quý liền trước, được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào thiết bị.
Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo chính trong báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ về hoạt động của người tiêu dùng đã tăng 2,3% trong quý II, cao hơn mức tăng 1,5% của quý I. Cả chi tiêu cho dịch vụ và hàng hóa đều tăng mạnh trong quý vừa qua. Tốc độ tăng trưởng này sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tự tin rằng, nền kinh tế không cần hỗ trợ tiền tệ ngay lập tức, có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới. Tuy nhiên, điều này không thay đổi kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Nếu không có sự gia tăng đột biến trong chỉ số giá tiêu dùng, thì sự kết hợp giữa lạm phát giảm và tăng trưởng GDP vững chắc sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế “hạ cánh mềm”.
Thị trường chứng khoán châu Á tuần qua rung lắc theo bối cảnh chung của thế giới sau một giai đoạn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiếp tục giảm điểm mạnh. Thời gian gần đây, đồng Yên tăng giá, được giao dịch quanh mức 154 Yên/USD. Lạm phát ở Tokyo tăng tốc trong tháng thứ ba vào tháng 7, củng cố kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất khi Hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương họp vào tuần này. Lãi suất tăng sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong xu hướng đầu tư khi chênh lệch lãi suất tại Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục thu hẹp, với kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, còn Nhật Bản tăng lãi suất và bình thường hóa chính sách do nền kinh tế không cần nhiều hỗ trợ như trước đây.
Xét về vận động các loại tài sản, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong tuần qua, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ so với tuần trước, nhưng giảm đáng kể (0,25%) trong tháng 7. Thị trường phản ứng bình tĩnh và ổn định trước các sự thay đổi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Trong khi đó, giá vàng giảm, còn giá dầu ghi nhận vận động ổn định trong biên độ hẹp, sau khi giảm mạnh vào cuối tuần trước đó. Giá dầu thô Brent ở mức 82,37 USD/thùng, giá dầu thô WTI gần 78,28 USD/thùng. Diễn biến này nhờ báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024, bên cạnh dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu dầu thô cao hơn. Tuy vậy, mức tăng vẫn bị hạn chế bởi những lo ngại về lượng dầu nhập khẩu từ Trung Quốc có giá thấp hơn.
Chứng khoán Việt Nam: Áp lực bán chậm lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận hồi phục trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy vậy, khép lại tuần giao dịch, VN-Index ghi nhận giảm 22,67 điểm (1,79%), đóng cửa ở mức 1.242,11 điểm và là tuần giảm điểm thứ ba liên tiếp.
Diễn biến điều chỉnh xảy ra trong bối cảnh thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ và tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư. Dưới góc nhìn kỹ thuật, sự điều chỉnh trong tuần qua khiến thị trường vi phạm ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.250 điểm. Tuy nhiên, chỉ số đang cho thấy những phản ứng hồi phục ban đầu tại vùng hỗ trợ mạnh 1.200 – 1.220 điểm (nơi hội tụ đường MA200).
Điểm tích cực là sự trở lại mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn bán ròng kéo dài, mở ra kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ giao dịch tích cực hơn trong thời gian tới và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, thanh khoản trong tuần qua ghi nhận sụt giảm so với tuần trước đó, cho thấy áp lực bán đã giảm đáng kể, giúp thị trường hồi phục trong những phiên cuối tuần, tạo cơ hội cho thị trường sớm cân bằng.
Tuy nhiên, lực cầu chủ động tham gia bắt đáy dù được ghi nhận nhưng chưa đủ quyết liệt, khi tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng. Theo đó, trong ngắn hạn, 1.200 – 1.220 được đánh giá là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index, nhưng nếu lực cầu không sớm được tái tạo thì cơ hội hồi phục chưa được đánh giá cao, thậm chí lực cung sau khi tái tích tụ có thể sớm trở lại gây áp lực đối với chính vùng hỗ trợ này. Theo đó, khả năng tạo đáy chưa được xác nhận và diễn biến rung lắc ngắn hạn có khả năng tiếp diễn.
Các chỉ báo định lượng trong tuần qua cho thấy sự suy yếu của dòng tiền. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng đóng vai trò nâng đỡ thị trường trong tuần trước đó cũng chịu áp lực giảm theo xu hướng chung và ảnh hưởng tới VN-Index. Chỉ số chung tăng điểm trong phiên cuối tuần, nhưng chưa đáng kể, đồng thời chưa đủ để xác nhận khả năng tạo đáy, nhất là khi các cú bật tăng của cổ phiếu đều chỉ nằm ở giá và không dựa trên độ mạnh của thanh khoản, nên khả năng hồi phục bền vững chưa được xác nhận. Lực cầu mua lên cũng chưa được ghi nhận rõ nét trên các chỉ báo định lượng.
Với góc nhìn lạc quan, sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn sẽ giúp thị trường dễ dàng tăng điểm trong các phiên tới. Ngược lại, nếu dòng tiền tiếp tục chiều hướng rút lui, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh ở các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn, thì kịch bản xuất hiện nhịp rũ bỏ có thể xảy ra.
Nhìn chung, sự điều chỉnh tiếp diễn trong tuần qua và tín hiệu đảo chiều chưa được xác nhận khi diễn biến hồi phục thiếu sự quyết liệt của lực cầu chủ động. Theo đó, nhịp hồi phục vẫn được đánh giá là phù hợp cho hoạt động tái cấu trúc danh mục, hạ tỷ trọng các cổ phiếu yếu kém. Còn trong góc nhìn trung và dài hạn, các nhịp điều chỉnh hiện tại đang mở ra cơ hội thuận lợi để tích lũy các cổ phiếu chất lượng, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận khả quan vào cuối năm.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-hoi-tai-cau-truc-danh-muc-post350293.html