Chi tiết

Cơ hội tăng tốc từ trung tâm tài chính quốc tế

Ngày 2-1, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 47-KL/TW ngày 15-11-2024 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Bước tiến mới cho siêu đô thị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành lập TTTC quốc tế là việc rất quan trọng, mới và khó. Song, đây là cú hích, động lực mới cho sự phát triển của TP HCM trong thời gian tới nên cần chuẩn bị tâm thế để thực hiện.

Lãnh đạo TP HCM yêu cầu các sở, ngành chủ động đề xuất cơ chế, chính sách liên quan hạ tầng, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy hoạt động của TTTC quốc tế. Muốn TTTC quốc tế hoạt động hiệu quả, cần xây dựng môi trường chung, trong đó có môi trường đầu tư kinh doanh.

“Có 5 yếu tố quan trọng cần triển khai, gồm: cơ chế chính sách; đầu tư cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; tổ chức bộ máy và môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi nhất cho nhà đầu tư” – ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Nói về chủ trương thành lập TTTC quốc tế tại TP HCM theo Kết luận số 47-KL/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố có những bước chuẩn bị từ rất sớm, đã có nhiều nghiên cứu và kế hoạch học tập từ mô hình khác trên thế giới. TP HCM cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời giao Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC) chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, phối hợp với các cơ quan trung ương cùng chuẩn bị.

Đến nay, TP HCM đã có bước chuẩn bị tương đối đầy đủ để có thể ban hành quyết định thành lập TTTC quốc tế và các kế hoạch khác. Bí thư Thành ủy TP HCM yêu cầu các cơ quan khẩn trương ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động; phân công các đơn vị chủ trì phối hợp để chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội trong phiên họp vào tháng 5-2025 theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ. Trong đó có chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý… bảo đảm hoạt động của TTTC quốc tế TP HCM.

“Đây là kết quả bước đầu cực kỳ quan trọng của TTTC quốc tế, là động lực mới để thành phố tăng tốc, phát triển, bứt phá trong thời gian tới. Triển khai TTTC quốc tế cũng là cơ hội để thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Thành phố sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tài chính lớn ở khu vực và thế giới” – ông Nguyễn Văn Nên nhận định.

Động lực tăng trưởng mới của TP HCM (*): Cơ hội tăng tốc từ trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

TP HCM chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vừa học hỏi kinh nghiệm vừa giữ nét đặc thù

Bà Lê Ngọc Thùy Trang – Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM, nguyên Tổng giám đốc HFIC – cho biết thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành nhằm thống nhất quá trình triển khai thực hiện đề án TTTC quốc tế. Về cơ chế, chính sách của TTTC quốc tế như kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội sẽ ban hành dạng khung chính sách và giao cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể.

Để triển khai TTTC quốc tế TP HCM, bà Trang cho rằng cần đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực, lập cơ quan quản lý, cơ quan giám sát và cơ quan giải quyết tranh chấp (trực thuộc UBND TP HCM). Những công việc này cần làm ngay để khi Nghị quyết của Quốc hội thông qua, thành phố đã có bộ máy vận hành và triển khai.

TP HCM đang triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Các chuyên gia cho rằng có thể nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho TTTC quốc tế TP HCM, tạo ra những cơ hội mới tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, đề xuất các chính sách phát triển TTTC theo hướng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai. Ông cho rằng có thể nghiên cứu các giải pháp và tiêu chí trong Nghị quyết 98, như thu hút nhà đầu tư chiến lược và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, để tổng hợp và tham mưu chính sách cho TTTC quốc tế.

Theo các chuyên gia, TTTC quốc tế được coi là yếu tố quan trọng để TP HCM thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Ngành ngân hàng TP HCM cũng đang xây dựng lộ trình và cơ chế chính sách liên quan ngoại hối, nhằm bảo đảm an toàn trong công nghệ ngân hàng.

Về mô hình của TTTC quốc tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng dù TP HCM chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng có thể tham khảo các mô hình từ nhiều quốc gia. TP HCM cũng tính toán xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến, hiện đại hơn; có lộ trình cụ thể để bảo đảm sự hoàn thiện, đặc biệt là kết nối với hạ tầng số và hệ thống truyền thông thông tin.

“TTTC quốc tế TP HCM có thể học hỏi kinh nghiệm phong phú từ các trung tâm khác trên thế giới, kết hợp sự sáng tạo để vừa xây dựng mô hình riêng với nhiều ưu điểm hơn vừa phải có nét đặc thù vì chúng ta có những tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển không giống những nơi khác. Cần phát huy triệt để những điều kiện thuận lợi của TP HCM để có thể tạo sự hấp dẫn riêng cho TTTC quốc tế” – Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Dự kiến ngày 4-1, Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận 47-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ diễn ra tại TP HCM. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM và UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết Thường trực Chính phủ sẽ quyết định ra mắt Ban Chỉ đạo trung ương cùng 2 Ban Chỉ đạo địa phương ở TP HCM và Đà Nẵng để triển khai xây dựng TTTC.

Trên cơ sở này, TP HCM sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển TTTC quốc tế, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm trưởng ban; các thành viên khoảng 29 người với cơ cấu là người đứng đầu các cơ quan liên quan. TP HCM cũng sẽ thành lập tổ giúp việc do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để điều hành các công việc.

Cần đa dạng nhiều lĩnh vực

Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý quy mô của TTTC quốc tế TP HCM cần đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản, quỹ đầu tư, sàn giao dịch vàng, sở giao dịch hàng hóa… – giống như các TTTC quốc tế ở Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc). Những mô hình này đã mở ra nhiều cơ hội sinh lời và thu hút dòng tiền từ nhiều quốc gia. Các TTTC này còn là nơi để cộng đồng doanh nhân gặp gỡ, trao đổi công việc và cơ hội hợp tác.

Vì vậy, TTTC quốc tế TP HCM cũng cần xây dựng đầy đủ các kênh đầu tư, được đặt tại vị trí thuận lợi để thu hút sự chú ý và tham gia của các nhà đầu tư.

Source link