Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới phải mất hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, ở Việt Nam giai đoạn này chỉ kéo dài 26 năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, già hóa dân số mở ra những cơ hội mới cho nền “kinh tế bạc”. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang phải đối diện với tình trạng này, khiến lao động bị thiếu hụt. Để giải quyết tình trạng này, biện pháp duy trì việc làm cho người về hưu đang được nhiều nước áp dụng.
Từ năm 1986, Nhật Bản đã ban hành Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi. Hành động này đã tạo điều kiện cho cho người cao tuổi có thể tiếp tục công việc của mình.
Vào năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đưa quy định các doanh nghiệp phải thuê nhân viên cho đến khi họ 65 tuổi. Theo số liệu thống kê được công bố vào năm 2021 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, có hơn 70% người trên 60 tuổi tham gia thị trường lao động tại quốc gia này.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Nhật Bản mà tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ghi nhận số lượng người nghỉ hưu tái gia nhập thị trường tăng qua từng năm. Tại Mỹ, ước tính có khoảng 13 triệu người là lực lượng lao động từ 65 tuổi trở nên trong năm 2024; tại Singapore, số người trên 60 tuổi tham gia thị trường lao động chiếm gần 33% tỷ lệ dân số vào năm 2021.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet |
Theo quy định tại Việt Nam, độ tuổi nghỉ hưu của lao động trong điều kiện bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi 60 tuổi vào năm 2035.
Theo giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bà Nguyễn Hạnh Liên cho biết, xu hướng của xã hội là xem người cao tuổi là đối tượng cần được nghỉ ngơi, chăm sóc và được xã hội bảo trợ. Nếu để người cao tuổi phải “bươn trải cuộc sống”, con cái họ sẽ bị coi là bất hiếu và không thương cha mẹ.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Trần Quang Thịnh 63 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội vẫn đi làm bảo vệ ca chiều cho cửa hàng tiện lợi dù đã có lương hưu. Ông Thịnh cho biết, công việc này đem lại cho ông mức thu nhập 6 triệu đồng mỗi tháng.
Thực tế, không hiếm những trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn có đủ sức khỏe, năng lực làm việc tốt và có khả năng đóng góp, cống hiến cho xã hội. Với sự đầu tư hợp lý và thông minh, người lao động cao tuổi có thể trở thành nguồn lực quý giá với kinh nghiệm dồi dào và sự trung thành cao. Đây là cơ hội để các quốc gia trên thế giới, đặc biệt Việt Nam có thể khai thác tiềm năng của lực lượng lao động cao tuổi, đồng thời phát triển một nền kinh tế đa dạng và bền vững hơn.
Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và phát huy tối đa năng lực của người lao động cao tuổi, Bộ Y tế đã đưa đề xuất triển khai các chương trình đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi họ bước vào tuổi nghỉ hưu, nhằm phù hợp với nhu cầu, sức khỏe và trình độ của từng cá nhân cũng như yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện và hỗ trợ người cao tuổi, tạo điều kiện tối ưu để họ tiếp tục đóng góp hiệu quả. Thêm vào đó, việc tích cực nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học sẽ giúp thích ứng linh hoạt với xu hướng già hóa dân số, từ đó phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.