Chi tiết

Có nên đầu tư ‘siêu cổ phiếu’?

Kiếm lời từ các cổ phiếu tăng trưởng nóng là nhu cầu chính đáng nhưng chuyên gia khuyên nên xây dựng quy trình đầu tư sáng suốt, kiểm soát rủi ro.

Cuối năm 2024, cổ phiếu YEG của Tập Đoàn Yeah1, nhà sản xuất chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, gây chú ý thị trường chứng khoán khi liên tục tăng trần qua nhiều phiên. Trước đó, hàng loạt cổ phiếu như SGR, VPT, VGI, PAC hay IMP cũng tăng giá gấp nhiều lần, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư. Thuật ngữ “siêu cổ phiếu” lại trở thành tâm điểm, ám chỉ những mã chứng khoán đạt hiệu suất sinh lời vượt trội trong bối cảnh thị trường chung gần như đi ngang suốt nửa cuối năm.

Tại Việt Nam, “siêu cổ phiếu” thường được hiểu là những cổ phiếu có khả năng tăng giá vượt bậc, giúp nhà đầu tư nhân tài sản lên nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn. Thực tế, các “siêu cổ phiếu” không hề hiếm. Chỉ tính từ đầu năm 2024, đã có 18 cổ phiếu trên sàn HoSE và 27 cổ phiếu trên sàn HNX tăng trên 100% so với đầu năm (dựa trên giá cao nhất). Số lượng này thậm chí còn lớn hơn trên sàn UPCoM do tính thanh khoản thấp.

Những con số ấn tượng này đặt ra câu hỏi: Liệu nhà đầu tư cá nhân có nên tham gia vào các cổ phiếu “nóng” để tìm kiếm lợi nhuận vượt trội, hay cần cẩn trọng trước rủi ro tiềm ẩn?

Dưới đây là những phân tích và khuyến nghị của Chuyên gia phân tích chứng khoán độc lập Huỳnh Hoàng Phương về vấn đề này.

Tác động tâm lý nhà đầu tư

Các cổ phiếu “nóng” thường gây tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, tạo nên hai trạng thái phổ biến là FOMO (fear of missing out – sợ bỏ lỡ cơ hội) và confirmation bias (thiên kiến xác nhận). Với FOMO, nhà đầu tư thường bị cuốn vào hiệu ứng tâm lý sợ mất cơ hội khi thấy giá cổ phiếu tăng mạnh cùng các tin tích cực tràn ngập trên truyền thông và cộng đồng đầu tư. Điều này khiến họ ra quyết định mua một cách vội vàng, chỉ dựa trên cảm xúc mà thiếu đi sự phân tích kỹ lưỡng.

Trong khi đó, thiên kiến xác nhận khiến nhà đầu tư chỉ tập trung vào những thông tin ủng hộ quan điểm sẵn có của mình và bỏ qua các ý kiến trái chiều. Những người có góc nhìn tiêu cực thường coi việc giá cổ phiếu tăng là “lùa gà” và cảm thấy hài lòng khi xuất hiện các tin tức tiêu cực hoặc giá giảm, như một cách để tự khẳng định mình đúng. Ngược lại, những người có quan điểm tích cực sẵn có sẽ bác bỏ các tín hiệu tiêu cực và lý giải các biến động giá như cơ hội để tiếp tục nắm giữ hoặc gia tăng tỷ trọng.

Sự kết hợp giữa FOMO và confirmation bias thường dẫn đến những quyết định thiếu sáng suốt, khiến nhà đầu tư dễ mắc sai lầm như lao vào cổ phiếu không thực sự tốt hoặc không dám tận dụng cơ hội với các cổ phiếu tiềm năng thực sự.

Mong muốn tham gia vào các cổ phiếu “nóng” trên thị trường là nhu cầu thực tế và chính đáng, bởi rủi ro cao thường đi kèm kỳ vọng lợi nhuận vượt trội (high risk, high return). Tuy nhiên, thay vì để tâm lý chi phối, nhà đầu tư cần học cách kiểm soát cảm xúc, nhận diện các dấu hiệu “nóng” của cổ phiếu và xây dựng quy trình ra quyết định đầu tư sáng suốt, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận mà vẫn kiểm soát được rủi ro.

Nhà đầu tư đang theo dõi một cổ phiếu tăng trần giữa phiên giao dịch thị trường đỏ sắc. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi một cổ phiếu tăng trần giữa phiên giao dịch thị trường đỏ sắc. Ảnh: Quỳnh Trần

Xem xét cơ hội một cách bài bản

Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán đã cung cấp công cụ hỗ trợ nhà đầu tư phát hiện các cổ phiếu “nóng” ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, để tránh rơi vào bẫy tâm lý và ra quyết định sai lầm, nhà đầu tư cần tiếp cận cơ hội này một cách bài bản thông qua 4 bước sau.

Đầu tiên phải hiểu khẩu vị rủi ro của bản thân. Xác định khẩu vị rủi ro là bước quan trọng trước hết để đánh giá mức độ phù hợp khi đầu tư vào cổ phiếu “nóng”. Những cổ phiếu này thường có độ biến động giá cao hơn nhiều so với bình thường, đặc biệt trong giai đoạn đỉnh điểm. Chỉ những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro từ trung bình cao trở lên mới phù hợp, bởi nhóm chấp nhận rủi ro thấp dễ bị áp lực tâm lý từ biến động giá, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như “rớt hàng” dù nhận định triển vọng cổ phiếu đúng.

Bước tiếp theo là xem xét vị thế danh mục. Trước khi rót tiền vào cổ phiếu “nóng”, nhà đầu tư cần đánh giá khả năng sinh lời và mức độ rủi ro của danh mục hiện tại. Việc tăng tỷ trọng cổ phiếu “nóng”, đặc biệt tỷ trọng ngành đã cao, có thể làm gia tăng rủi ro tổng thể. Sự cân đối giữa tỷ trọng đầu tư và khẩu vị rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát tốt danh mục. Từ đó, nhà đầu tư mới có thể nắm giữ cổ phiếu “nóng”.

Bước thứ ba là phân tích triển vọng. Những “siêu cổ phiếu” thường đi kèm các thay đổi trọng yếu trong nội tại doanh nghiệp, như thoái vốn, chuyển sàn (VTP, SIP, PHP) hoặc sự trở lại chu kỳ tăng trưởng mới (FRT, STB). Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào cũng duy trì được đà tích lũy mà có thể trở thành “cây thông” do yếu tố đầu cơ hay thao túng.

Để lựa chọn đúng, nhà đầu tư cần xem xét câu chuyện tăng trưởng dựa trên 3 yếu tố: tính khả thi (câu chuyện có thực tế và khả năng thực hiện cao không); tính trọng yếu (triển vọng này có tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh không); tính bền vững (hiệu ứng này chỉ nhất thời hay sẽ mang lại giá trị dài hạn cho doanh nghiệp).

Một cổ phiếu đáp ứng ít nhất 2 trong 3 yếu tố kể trên sẽ đáng để cân nhắc. Xác định rõ những điều này cũng có thể giúp giảm thiểu rủi ro từ các cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng.

Sau tất cả, nhà đầu tư mới lên kế hoạch và thực hiện. Trải qua các bước đánh giá cơ hội, nhà đầu tư cần xây dựng kế hoạch chi tiết về vùng giá mua, giá bán và kế hoạch cắt lỗ rõ ràng. Với các cổ phiếu “nóng”, việc tuân thủ kỷ luật đầu tư càng trở nên quan trọng, đặc biệt khi thị trường không diễn biến như kỳ vọng.

Nhà đầu tư đang bàn luận cách tham gia thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM). Ảnh: An Khương

Nhà đầu tư đang bàn luận cách tham gia thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM). Ảnh: An Khương

Việc đầu tư theo quy trình và kế hoạch có thể giúp mỗi người đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, vừa tối ưu hóa hiệu suất danh mục, vừa quản trị rủi ro hiệu quả khi tiếp cận các cổ phiếu “nóng” trên thị trường. Cần lưu ý, đầu tư vào các cổ phiếu này chỉ phù hợp với người có khẩu vị rủi ro tương đối cao và có kinh nghiệm trên thị trường. Đi theo các bước trên, nhà đầu tư sẽ tự nhận ra có phù hợp với loại cổ phiếu này hay không. Trong đó, nhóm nhà đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro thấp sẽ tự nhận ra trong hai bước đầu tiên và các nhà đầu tư không có kinh nghiệm sẽ khó hoàn thành bước thứ 3.

Sự kết hợp của việc hiểu rõ khả năng chấp nhận rủi ro, vị thế với kế hoạch hành động ở bước thứ 4 là điều cốt yếu để quản trị cảm xúc. Nhà đầu tư có thể tránh rơi vào cảnh giá cổ phiếu tăng nhưng “rớt hàng” hoặc hành động quá tự tin dẫn đến rủi ro không đáng có.

Với việc thực hiện 4 bước, mỗi người cũng đang thực hiện quản trị rủi ro thông qua tỷ trọng phù hợp (bước thứ 2), hạn chế rủi ro phi hệ thống hay rủi ro truyền thông liên quan cổ phiếu (bước thứ 3), quản trị rủi ro hoạt động thông qua việc tuân thủ (bước thứ 4). Trong hành trình đầu tư, hiểu và quản trị rủi ro là thiết yếu giúp gặt hái thành quả, đặc biệt trong việc tham gia các cổ phiếu đang “nóng”.

Tóm lại, thay vì chịu tác động tâm lý khi liên tục theo dõi bảng điện, nhà đầu tư nên tập trung xây dựng và thực hiện quy trình trên (shapen the saw). Điều này không chỉ giúp cải thiện kỹ năng ra quyết định mà còn tạo thói quen xử lý cơ hội đầu tư nhanh chóng, hiệu quả hơn qua thời gian. Khi đó, các cổ phiếu “nóng” mới thực sự mang lại giá trị như mong đợi.

Ngoài ra, các quy định mới của Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ giúp hạn chế hiện tượng thao túng dẫn đến “cây thông”, qua đó bảo vệ nhà đầu tư và tăng khả năng nhận diện các cổ phiếu có giá trị thực sự.

Tất Đạt ghi



Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-nen-dau-tu-sieu-co-phieu-vnepre-4834644.html