Chi tiết

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 2/1/2025

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/1 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KBC

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong quý III/2024, doanh thu của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC – sàn HOSE) đạt 950 tỷ đồng (tăng 285% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng (tăng trưởng 963%) đến từ việc bàn giao 14,4 ha diện tích đất KCN và 1,4 ha NOXH Thị trấn Nếnh.

Lũy kế 9 tháng 2024, KBC ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ với doanh thu đạt 1.994 tỷ đồng (giảm 58%) và lợi nhuận sau thuế 397 tỷ đồng (giảm 81%) do diện tích đất KCN bàn giao năm 2024 chỉ đạt 29.6 ha thấp hơn đáng kể so với năm 2023 (128 ha).

KBSV dự báo diện tích đất KCN cho thuê của KBC năm 2025 đạt 95 ha, tương đương với doanh thu cho thuê BĐS KCN đạt 2.867 tỷ đồng (tăng trưởng 108%), được đóng góp bởi: (1) KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh 20 ha; (2) KCN Tân Phú Trung 15 ha và 3 KCN mới dự kiến có thể hoàn thành thủ tục pháp lý và cho thuê từ 2025: (3) KCN Tràng Duệ 40 ha; (4) KCN Nam Tân Lập 10 ha; Cụm công nghiệp (CCN) Hưng Yên 10 ha.

Trong ĐHĐCĐ vào tháng 11/2024, KBC dự kiến thực hiện kế hoạch phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2025 cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nếu phát hành thành công, KBC kỳ vọng sẽ thu về 6.250 tỷ đồng, số tiền này dự kiến sẽ được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ, bổ sung vốn lưu động cho công ty.

Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC, mức giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26% so với mức giá đóng cửa 27.250 đồng/CP ngày 30/12/2024.

Khuyến nghị kém khả quan dành cho cổ phiếu LPB

CTCK VNDirect (VND)

Chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPB) đạt 18% so với đầu năm 2024 và duy trì mức tăng mạnh mẽ là 17% trong 2025, chủ yếu nhờ vào việc cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân và cho vay doanh nghiệp ở các đô thị hạng 2.

LPB sẽ tập trung vào các khoản vay tín chấp cho khách hàng cá nhân ở các đô thị hạng 2 và các khách hàng doanh nghiệp trong các ngành có tính biến động theo điều kiện thị trường như xây dựng, nông nghiệp. Chiến lược này giúp tăng trưởng doanh thu, nhưng kèm theo đó là các thách thức về quản lý chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên trong quý III/2024.

Chúng tôi dự phóng thu nhập ngoài lãi giảm 39% trong 2025 do không có các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần. Trong 2024, chúng tôi dự phóng LPB ghi nhận khoảng 2.800 tỷ đồng lợi nhuận một lần từ phí trả trước (upfront). Việc thiếu khoản phí này trong năm 2025 sẽ làm giảm đáng kể thu nhập ngoài lãi của LPB.

LPB có cơ hội được thêm vào chỉ số VN30 trong kỳ cơ cấu tháng 1/2025, vì công ty đáp ứng hầu hết các tiêu chí và vốn hóa thị trường của LPB hiện xếp trong top 20 so với các cổ phiếu hiện tại của VN30. Các quỹ ETF theo dõi chỉ số VN30 có giá trị tài sản ước tính đạt 9.300 tỷ đồng tính đến cuối tháng 10/24.

Giá cổ phiếu LPB đã tăng 109% so với đầu năm 2024, với phần lớn mức tăng xảy ra trong quý II/2024. P/B hiện tại là 2,4 lần, cao hơn so với trung bình ngành và trung bình 5 năm qua. Chúng tôi cho rằng tiềm năng tăng trưởng của LPB trong 2024-2025 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, duy trì khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu LPB.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-212025-post360981.html