(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 2/7 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS
CTCK DSC
DSC ước tính doanh thu và lợi nhuận của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) năm 2024 đạt lần lượt là 19.395 tỷ và 1.135 tỷ đồng. Động lực đến từ (1) các gói thầu từ dự án Lô B của PVS, đặc biệt là EPC#1 và EPC#2 và (2) Các gói thầu thi công điện gió ngoài khơi gia tăng trong năm nay và (3) Cơ chế pháp lý cho năng lượng tái tạo hoàn thành trong năm nay, thúc đẩy các chủ đầu tư tư nhân phát triển nhà máy điện gió.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS dựa trên tiềm năng tăng trưởng mảng M&C từ các gói thầu của dự án Lô B, cũng như các dự án năng lượng tái tạo quốc tế với giá trị cao.
Luận điểm đầu tư: Kể từ năm 2022. công ty đã chính thức bước chân vào mảng điện gió. Đây là mảng có tiềm năng rất lớn khi Việt Nam đã cam kết sẽ giảm lượng phát thải ròng còn 0 vào năm 2050. đồng nghĩa năng lượng tái tạo sẽ được thúc đẩy mạnh trong giai đoạn này.
Đồng thời, với việc Quy hoạch điện VIII được thông qua mới đây, các dự án năng lượng tái tạo sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh hơn. Sở hữu trang thiết bị hiện đại với tiêu chuẩn quốc tế, khả năng cao PVS sẽ được nhận thầu các dự án lớn trong xu hướng chuyển dịch năng lượng này. Hiện công ty đang thầu 3 dự án năng lượng tái tạo (Gallaf Batch 3, Shwe và Hải Long) với tổng mức đầu tư khoảng 600 triệu USD.
Ngay sau khi dự án Lô B nhận được chủ trương thúc đẩy, PVS đã nhanh chóng nhận được các gói thầu EPC#1; #2 và #3 của Lô B với tổng giá trị gói thầu là 1,2 tỷ USD. Ngoài ra công ty cũng được kỳ vọng sẽ trúng 2 gói khác của Lô B bao gồm Gói thầu đường ống biển (tương đương 400 triệu USD) và Gói thầu cho thuê kho nổi FSO.
Dù vậy Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) sẽ là bước then chốt để khởi công dự án, cũng như mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho PVS. DSC kỳ vọng FID của dự án Lô B sẽ được công bố trong nửa cuối năm 2024.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB
CTCK Agriseco (AGR)
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – sàn HOSE) đạt tăng trưởng tín dụng 3,8% trong quý I/2024 với mức tăng trưởng cao từ nhóm các khách hàng doanh nghiệp lớn. Chúng tôi ước tính 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của ACB có thể đạt trên 8% và kỳ vọng ACB có thể hoàn thành hạn mức tín dụng được giao 16% trong năm nay.
Trong đó, cho vay khách hàng doanh nghiệp dự kiến tiếp tục gia tăng quy mô và tỷ trọng đóng góp sau khi ngân hàng linh hoạt chuyển dịch cơ cấu tín dụng sang phân khúc này từ năm 2023. Điều này sẽ giúp ACB có nhiều dư địa tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong các quý tới. Ngoài ra, hoạt động cho vay bán lẻ được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm nay.
Biên lãi ròng (NIM) năm 2024 dự kiến cải thiện nhẹ so với năm 2023. NIM quý I/2024 được cải thiện, đạt 3,9% – tương đối tích cực với diễn biến suy giảm NIM của đa số các ngân hàng khác. Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay đã tạo đáy và có thể tăng nhẹ từ quý III/2024. Mặt khác, lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại song sẽ cần thời gian để phản ánh vào chi phí vốn. Do đó, kỳ vọng NIM cả năm 2024 được duy trì ổn định ở mức 3,9 – 4,0%.
Chất lượng tài sản duy trì ổn định. Tính đến quý I/2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB đạt 1,45% – thấp hơn so với bình quân toàn ngành với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 79%. Kỳ vọng với triển vọng nền kinh tế phục hồi tích cực hơn vào nửa cuối năm và Thông tư 02/2023 được gia hạn đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ tích cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, cải thiện chất lượng tín dụng.
Định giá hấp dẫn: Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B là 1,4x, khá hấp dẫn so với trung bình cổ phiếu 5 năm gần đây, đồng thời ngân hàng có hiệu suất sinh lời cao với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25%. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 26.500 đồng/CP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR
CTCK Agriseco (AGR)
Crackspread có xu hướng mở rộng vào nửa cuối năm 2024 khi: (1) Căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu leo thang, làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực sản xuất chính sang NMLD tại các quốc gia khác, dẫn tới việc thiếu hụt các mặt hàng xăng dầu thành phẩm; (2) Trữ lượng tồn kho xăng dầu thành phẩm có xu hướng suy giảm nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng cao khi nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục.
Triển vọng dài hạn từ Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất: Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028 sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho BSR trong dài hạn nhờ (1) Công suất lọc dầu sẽ được nâng từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, tương đương tăng 17% so với công suất hiện tại, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai khi sản lượng được gia tăng; (2) Đa dạng hóa trong lựa chọn nguồn dầu thô đầu vào, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp ổn định và lâu dài trong bối cảnh trữ lượng dầu thô của mỏ Bạch Hổ đang suy giảm mạnh.
Kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HSX: BSR đang thực hiện các thủ tục để thúc đẩy quá trình niêm yết trên sàn HOSE. Với vị thế của một doanh nghiệp đầu ngành, chúng tôi kỳ vọng BSR có thể được lọt vào chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn, giúp thu hút được dòng vốn ngoại và hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho BSR với giá mục tiêu 25.000 đồng/CP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HPG
CTCK Agriseco (AGR)
Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) tiếp tục được cải thiện nhờ thị trường bất động sản nội địa hồi phục: trong tháng 5, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 436 nghìn tấn, tăng 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm sản lượng thép xây dựng đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 36,7% là tín hiệu cho thấy thị trường xây dựng trong nước đang sôi động trở lại;
Bên cạnh đó, kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới nhờ nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng; và việc đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm năm 2024 sẽ là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm: Tính từ đầu năm đến nay, giá than cốc và quặng sắt đã giảm khoảng 22% do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa đang duy trì xu hướng đi ngang và được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối 2024 nhờ nhu cầu từ thị trường bất động sản giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025: Theo thông tin từ doanh nghiệp, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ quý I/2025 với công suất là 2,3 triệu tấn/năm và hoàn thành toàn bộ vào tháng 9.2026. Sau khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 – 100 nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 32.000 đồng/CP.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-27-post348566.html