Chi tiết

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 31/7

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 31/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR

CTCK Vietcap (VCI)

Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR – UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu đạt 24,4 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 768 tỷ đồng (giảm 43%), so với kế hoạch trước đó là lợi nhuận âm.

Mức giảm chủ yếu là do (1) sản lượng thương phẩm giảm 29% do kế hoạch bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 (kéo dài 50 ngày, từ ngày 15/03 đến 01/05) và (2) biên lợi nhuận gộp giảm 1,5 điểm %. Mức giảm trong lợi nhuận cốt lõi này được bù đắp một phần bởi khoản thu nhập tài chính khác trị giá 390 tỷ đồng từ việc thay đổi phương pháp hợp nhất BSR-BF (công ty nhiên liệu sinh học) sang sử dụng phương pháp chi phí.

BSR đã thành công trong việc xóa khoản nợ quá hạn của BSR BF (1.127 tỷ đồng) trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty, từ đó tin rằng công ty sẽ đủ điều kiện niêm yết trên HOSE sau khi nộp hồ sơ trong tháng 8. Ngoài ra, BSR cũng kỳ vọng nhận được sự chấp thuận từ UBQLVNN để tăng vốn thêm 61% thông qua cổ tức cổ phiếu.

Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu đạt 55,1 nghìn tỷ đồng (giảm 19% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo đạt 1,9 nghìn tỷ đồng (giảm 35%). Mức giảm trên phản ánh xu hướng của quý II, với (1) sản lượng thương phẩm giảm 19% (do đợt đại tu lần thứ 5) và (2) biên lợi nhuận gộp giảm 1,6 điểm % cũng do crack spread trung bình giảm.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, lần lượt tương đương với 43% và 31% dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo. Do đó, chúng tôi không thấy rủi ro nào đáng kể đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Đối với nửa cuối năm 2024, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng đáng kể so với nửa đầu năm, nhờ vào sản lượng cao hơn 21% khi BSR hoạt động với hiệu suất ở mức 114%, đồng thời biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện sau khi crack spread chạm đáy vào tháng 6/2024.

Chênh lệch giá crack chạm đáy vào tháng 6 năm 2024. Vào tháng 7/2024, chênh lệch giá crack xăng và dầu diesel trung bình của Singapore là 10,2 USD/thùng (+38% so với tháng 6 năm 2024) và 15,9 USD/thùng (+23% so với tháng 6).

Crack spread 7 trong tháng đầu năm 2024 vẫn cao hơn đáng kể so với mức trước đại dịch. Crack spread xăng và dầu diesel trung bình của Singapore trong 7 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 12,5 USD/thùng (giảm 3%) và 16,0 USD/thùng (giảm 14%), cao hơn 62% và 28% so với mức trước đại dịch (trung bình giai đoạn 2017-2019).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua đối với BSR.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu POW

CTCK Vietcap (VCI)

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 doanh thu đạt 9,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 401 tỷ đồng (tăng 218%). Doanh thu quý II của POW tăng 12% nhờ (1) sản lượng điện thương phẩm tăng 11% và (2) giá bán trung bình tăng 1%. Sản lượng điện thương phẩm cao hơn so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sản lượng điện thương phẩm cao hơn từ nhà máy điện Vũng Áng (tăng 58%) và Đắk Đrinh (tăng 12%), bù đắp cho việc sản lượng điện thương phẩm từ nhà máy Nhơn Trạch 1 giảm 55%.

Chúng tôi cho rằng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng gấp 2 lần là do (1) lợi nhuận gộp tăng 54% nhờ mức chi phí trên kWh điện thấp hơn, (2) chi phí quản lý (G&A) giảm 13%, (3) chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp gần như bằng 0, và (4) lợi ích CĐTS đi ngang so với cùng kỳ. Các yếu tố này bù đắp cho việc lỗ tỷ giá tăng 18 lần.

Ngoài ra, POW đã báo cáo rằng doanh thu nửa đầu năm 2024 của công ty đạt 15,7 nghìn tỷ đồng (giảm 1% so với cùng kỳ), và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 678 tỷ đồng (tăng 3%), lần lượt hoàn thành 48%/48% dự báo cả năm của chúng tôi.

Các kết quả trên phù hợp với dự báo hiện tại của chúng tôi. Tăng trưởng doanh thu gần như đi ngang do (1) tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm cũng đi ngang so với cùng kỳ, trong đó sản lượng điện thương phẩm của nhà máy điện Vũng Áng tăng đáng kể (tăng 69%) bị ảnh hưởng bởi việc sản lượng điện thương phẩm tại các nhà máy Nhơn Trạch 1/NT2/Hủa Na/Đắk Đrinh đều lần lượt giảm 78%/45%/24%/12%, và (2) giá bán trung bình gần như đi ngang (giảm 3%).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo vẫn tăng nhẹ 3YoY nhờ (1) chi phí G&A giảm 11%, (2) chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 36%, và (3) không ghi nhận lợi ích cổ đông thiểu số so với mức lợi ích cổ đông thiểu số nửa đầu năm 2023 là 171 tỷ đồng. Các yếu tố trên bù đắp cho việc lỗ tỷ giá tăng 20 lần.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số điều chỉnh/cốt lõi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024, hoàn thành 57% dự báo cả năm của chúng tôi, mà chúng tôi cho rằng chủ yếu do kết quả kinh doanh khả quan của nhà máy điện Vũng Áng và Cà Mau. Chúng tôi lưu ý rằng POW vẫn chưa ghi nhận khoản bồi thường bảo hiểm cho nhà máy Vũng Áng 1 so với dự báo của chúng tôi là ghi nhận khoản bồi thường 300 tỷ đồng trong năm 2024.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy không có sự thay đổi đáng kể đối với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 20224 của POW, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường đối với POW với giá mục tiêu là 13.800 đồng/cổ phiếu.

Khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi giải ngân vào cổ phiếu VND

CTCK DSC

Với định hướng tập trung vào khách hàng cá nhân, việc tăng vốn là cấp thiết để CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VND – sàn HOSE) có thể khai thác mảnh đất màu mỡ “cho vay margin”.

Trong giai đoạn 2024-2026, VNDIRECT dự định tăng vốn qua 3 đợt phát hành: (1) Phát hành riêng lẻ 268 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, (2) Phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP, và (3) Phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng cho nhân viên.

Có thể thấy, VNDIRECT đang tích cực chuẩn bị cho đợt tăng vốn mới, sẵn sàng đón làn sóng nhà đầu tư cá nhân khi TTCK Việt Nam được nâng hạng và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh

Sau sự cố nghiêm trọng với hệ thống giao dịch cuối quý I/2024, VNDIRECT đã phải thực hiện các chính sách miễn phí giao dịch và giảm lãi suất cho vay margin trong suốt tháng 4. Điều này phần nào đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý vừa qua của doanh nghiệp. Doanh thu môi giới giảm tới 20% so với quý trước, trong khi lợi nhuận từ cho vay giảm hơn 5%.

Tuy nhiên, thị phần môi giới của VNDIRECT đã tăng 0,45% lên mức 6,46%, doanh nghiệp cũng cho vay thêm 1.300 tỷ trong quý II/2024. Với những tín hiệu tích cực như trên, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh mảng dịch vụ của VNDIRECT sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm.

Kết quả kinh doanh quý II/2024 của VNDIRECT có phần kém sắc hơn so với các đối thủ. Doanh thu hoạt động và lợi nhuận trước thuế đều có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ mặc dù thanh khoản thị trường cho thấy sự cải thiện. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh xuống mức 45% – mức thấp nhất trong 6 quý gần đây.

Mảng dịch vụ nhìn chung đều cải thiện tương đối chậm. Doanh thu môi giới và lợi nhuận margin đạt lần lượt 182 tỷ đồng (giảm 20% so với quý trước) và 299 tỷ (giảm 5,3% so với quý trước). Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc là do chính sách giảm/miễn phí giao dịch cho khách hàng xuyên suốt tháng 4, cùng với một số khó khăn khác sau sự cố phải tạm ngừng hệ thống giao dịch cuối quý I.

Mảng tự doanh vốn là động lực tăng chính cho VNDIRECT tuy nhiên đã ghi nhận kết quả sụt giảm mạnh trong quý II/2024. Trong đó lợi nhuận gộp chỉ đạt 368 tỷ (giảm 45% so với quý trước). Nguyên nhân chính đến từ khoản lỗ ròng đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL lên đến hơn 170 tỷ.

Trong ĐHĐCĐ lần 2 diễn ra vào tháng 6, VNDIRECT đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 47% kế hoạch lợi nhuận 2024 và đạt 48% so với dự phóng của DSC.

Quy mô danh mục tự doanh của VNDIRECT đã mở rộng thêm so với quý trước sau khi doanh nghiệp đầu tư thêm 2.100 tỷ vào trái phiếu niêm yết và 2.900 tỷ cho chứng chỉ tiền gửi. VNDIRECT nổi tiếng là doanh nghiệp ưa thích đầu tư vào TPDN. Việc nắm giữ nhiều trái phiếu cũng khiến cho khoản phải thu cổ tức/lãi các tài sản tài chính liên tục tăng trong các năm gần đây, đạt 1.138 tỷ trong quý II.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc VNDIRECT đầu tư vào các trái phiếu trong quý vừa qua tiềm ẩn ít rủi ro hơn trước đây do phần lớn là các trái phiếu niêm yết. Nghị định 65 được ban hành đã giúp thị trường TPDN trở nên chất lượng và minh bạch hơn. Đồng thời gia tăng lượng chứng chỉ tiền gửi có độ an toàn cao cũng giúp cân bằng bớt độ rủi ro trong danh mục của VNDIRECT.

Sử dụng phương pháp P/B, DSC xác định giá mục tiêu năm 2024 cho cổ phiếu VND là 23.750 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi giải ngân vào cổ phiếu VND, vùng giá giải ngân hợp lý là 15.600-15.700 đồng/CP.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-317-post350444.html