(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/1 của các công ty chứng khoán.
Ưu tiên HPG, HSG và NKG trong ngành thép
CTCK MB (MBS)
Theo Hiệp hội Thép thế giới, nhu cầu năm 2025 dự kiến tăng 1,2%, đạt 1,77 tỷ tấn nhờ nhu cầu mạnh mẽ của Ấn Độ và sự phục hồi của EU, ASEAN. Tuy nhiên, nhu cầu giảm của Trung Quốc sẽ là rủi ro nghiêm trọng khi nhu cầu nước này có thể giảm 1,7%. Trong khi nguồn cung duy trì ổn định do cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.
Năm 2025, nhu cầu nội địa được hỗ trợ bởi nguồn cung bất động sản và đầu tư công tăng mạnh. Về nguồn cung nhà ở, Hà Nội và TP.HCM dự báo tăng 10% và 30% nhờ các rào cản pháp lý lớn sẽ được giải quyết thông qua việc áp dụng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Thêm vào đó, một số dự án được đẩy nhanh tiến độ như Đường cao tốc Bắc – Nam và Sân bay Long Thành dẫn đến tổng vốn đầu tư công đạt 790.000 tỷ đồng (tăng 24%). Như vậy, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2025 có thể đạt 21,8 triệu tấn (tăng trưởng 10%).
Về giá bán, áp lực từ thép Trung Quốc giảm do nước này cắt giảm nguồn cung và thuế chống bán phá giá (thuế AD) sẽ có tác động tích cực đến giá trong nước. Chúng tôi kỳ vọng thuế Chống bán Phá giá (CBPG) sẽ được áp dụng kể từ quý II/2024 khi thị phần HRC và tôn mạ trong nước bị chi phối bởi sản phẩm nhập khẩu. Chúng tôi cho rằng nhờ thuế AD, chênh lệch giá HRC của Việt Nam và Trung Quốc có thể giảm 25% xuống mức 60-70 USD/tấn. Do đó, chúng tôi dự báo giá thép cây và HRC có thể phục hồi 7% và 6% so với cùng kỳ.
Sản lượng quặng sắt và than dự báo tăng trưởng lần lượt 3% và 4%. Nguồn cung đẩy mạnh tại Úc và nhu cầu đầu vào yếu tại Trung Quốc là những động lực chính khiến giá đầu vào chịu áp lực giảm. Do đó, chúng tôi đánh giá nguyên liệu thô có thể giảm nhẹ trước khi tăng trở lại vào năm 2025 khi ngành thép thế giới phục hồi, tác động tích cực đến chi phí sản xuất. Giá than dự kiến dự kiến tăng 4% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2025 trong khi giá quặng có thể tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 121 USD/tấn. Tăng trưởng đầu vào thấp hơn giá bán (7% so với cùng kỳ) nên biên lợi nhuận gộp dự báo tăng 1% pts so với cùng kỳ, đạt 14%.
Chúng tôi ưu tiên HPG, HSG và NKG dựa trên các lý do: Hưởng lợi nhờ giai đoạn phục hồi của chu kỳ; Biên lợi nhuận gộp sẽ tăng nhờ giá bán tăng cao hơn giá đầu vào; định giá PB hiện tại thấp hơn chu kỳ trước. Rủi ro giảm giá đối với ngành bao gồm: tăng trưởng nhu cầu thép có thể thấp hơn dự kiến và khủng hoảng bất động sản Trung Quốc tác động tiêu cực đến giá trong nước.
>> Tải báo cáo
FPT – cổ phiếu đại diện cho thị trường trung tâm dữ liệu
CTCK ACBS
CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) là công ty công nghệ Việt Nam dẫn đầu ngành, cung cấp nhiều dịch vụ CNTT cho thị trường trong và ngoài nước. Mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài và dịch vụ viễn thông là hai trụ cột lớn nhất của công ty.
Dịch vụ viễn thông (Internet; kênh thuê riêng; trung tâm dữ liệu; điện thoại VoIP; dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng; kết nối liên tỉnh và quốc tế; dịch vụ IoT) đóng góp lần lượt 27% và 31% doanh thu thuần và LNTT của công ty. Là một trong năm nhà khai thác DC lớn nhất Việt Nam với ba DC đang hoạt động và một DC dự kiến đi vào hoạt động trong 2025.
Do dịch vụ Internet băng thông rộng cố định đã tiến đến giai đoạn trưởng thành, công ty đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cho mảng viễn thông bằng các dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ khác (DC, truyền hình trả tiền…). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng dịch vụ Internet băng thông rộng cố định vẫn đóng vai trò chủ chốt của mảng và sự thay đổi về cơ cấu sẽ khó có thể diễn ra ngay trong vài năm tới, vì các dịch vụ còn lại cần thời gian để gia tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu, đặc biệtlà từ mức 3% của dịch vụ DC.
Đối với AI Factory, ngoài Việt Nam, FPT đã ra mắt nhà máy tại Nhật Bản, nơi nhu cầu về AI được dự đoán sẽ tăng đáng kể. Vốn đầu tư sẽ được giải ngân thành nhiều giai đoạn theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, có thể sẽ cần thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và FPT nói riêng ghi nhận đóng góp đáng kể từ những khoản đầu tư này. FPT kỳ vọng AI Factory có thể tạo ra doanh thu 100 triệu USD trong 2025 (tương đương 3% doanh thu 2025F của FPT theo dự phóng của ACBS) với biên EBITDA 50% và sẽ được ghi nhận vào mảng dịch vụ CNTT trong nước.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-can-quan-tam-ngay-81-post361362.html