Fubon ETF bán ròng triền miên cổ phiếu Việt Nam, ngược chiều bất ngờ chi tiền gom một mã chứng khoán.
Trong hơn nửa năm qua, quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn đang duy trì xu hướng bán ròng cổ phiếu Việt Nam trong hơn nửa năm qua. Chuỗi rút vốn kéo dài triền miên trong khi số phiên đảo chiều mua ròng tương đối hiếm hoi.
Với đà bán ròng mạnh, dòng tiền vào ETF này từ đầu năm 2024 ghi nhận rút ròng kỷ lục hơn 200 triệu USD, tương ứng khoảng 5.000 tỷ đồng cổ phiếu đã bị bán ròng trong vòng hơn 9 tháng. Đây là đà bán ròng mạnh chưa từng có kể từ khi quỹ rót vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Chỉ xét riêng trong nửa đầu tháng 9/2024, quỹ ngoại này liên tiếp bị rút ròng với tổng giá trị lên tới 17 triệu USD, tương ứng 433 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị bán ròng.
Về khối lượng bán ra trong giai đoạn này, Fubon ETF đã bán hầu hết các mã trong danh mục, gồm 1,6 triệu cổ phiếu HPG, 1,1 triệu cổ phiếu VHM, 970.000 cổ phiếu VIC, 929.000 cổ phiếu SSI, 866.000 cổ phiếu SHB, 855.000 cổ phiếu VND…
Ngược chiều, duy nhất cổ phiếu VCI của Chứng khoán Vietcap bất ngờ được Fubon ETF giải ngân mua ròng hơn 2,1 triệu cổ phiếu, qua đó nâng lượng nắm giữ lên 10,3 triệu đơn vị, xếp thứ 14 trong danh mục (tỷ trọng 2,14%).
Đóng cửa phiên giao dịch 17/9, cổ phiếu VCI tăng 5,08% lên mức 34.150 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu VCI |
Đáng chú ý, mới đây, Chứng khoán Vietcap đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay hợp vốn trị giá 119 triệu USD (tương đương 2.975 tỷ đồng) cùng với quyền được tăng hạn mức cam kết cấp tín dụng thêm lên đến 81 triệu USD (tương đương 2.025 tỷ đồng).
Khoản vay được thu xếp bởi Maybank Securities Pte. Ltd., Malayan Banking Berhad (Singapore Branch), Maybank Philippines, Inc., Maybank International (Labuan Branch), và Taishin International Bank Co., Ltd (Singapore Branch).
Với khoản vay này, Vietcap đã ghi nhận thêm một đợt huy động vốn thành công sau vòng huy động vốn trước đó trong tháng 1/2024, kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo tiền đề cho các giao dịch hợp vốn ở nước ngoài trong tương lai.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường đang có những chuyển biến tích cực nhờ nỗ lực của các thành viên thị trường trong việc đề xuất sửa đổi và bổ sung các thông tư nhằm tháo gỡ nút thắt “pre-funding”, hướng đến mục tiêu nâng hạng vào năm 2025. Điều này được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong đó có VCI.
Trong báo cáo mới nhất về Vietcap, Chứng khoán DSC đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu VCI, giá mục tiêu 54.900 đồng/cp, cao hơn 61% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 17/9 theo luận điểm đầu tư:
(1) Tăng vốn – bổ sung nguồn lực cho hoạt động cho vay margin và tự doanh.
Trong ĐHĐCĐ diễn ra hồi đầu tháng 4, cổ đông VCI đã thông qua 3 phương án tăng vốn với tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là 280,6 triệu đồng. Nếu thực hiện thành công, vốn điều lệ của VCI dự kiến sẽ tăng lên mức 7.181 tỷ đồng. Số vốn thu được dự kiến được sử dụng để tăng vốn lưu động và giảm nợ vay, đồng thời bổ sung vốn cho hoạt động cho vay margin và tự doanh.
(2) Chú trọng hơn vào tệp khách hàng cá nhân, mở rộng mảng dịch vụ.
Trong nửa đầu năm 2024, thị phần của VCI đã phục hồi lên mức 5,44% – tăng trưởng ấn tượng sau khoảng thời gian dài sụt giảm xuống dưới mốc 5%. Dư nợ cho vay cũng đang ở mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
DSC cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy mảng dịch vụ đang hoạt động tốt và đẩy mạnh hơn mảng khách hàng cá nhân, đồng thời chính sách hạ phí giao dịch đang dần phát huy hiệu quả.
(3) Hoạt động tự doanh có hiệu suất đầu tư vượt trội.
Mặc dù cơ cấu thiên về cổ phiếu sẽ khiến cho danh mục chịu nhiều rủi ro hơn, DSC nhận thấy VCI có xu hướng đầu tư dài hạn và lựa chọn các cổ phiếu có cơ bản tốt. Hiệu suất đầu tư của VCI thường cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp cùng ngành, với 2.565 tỷ đồng lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản chưa được ghi nhận vào kết quả kinh doanh.