Cổ phiếu FPT – Công ty Cổ phần FPT (HoSE) giảm sâu dù kết quả kinh doanh quý 2/2024 nhiều khả quan.
Phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu FPT giảm mạnh chỉ còn 127.900 đồng/cp, giảm gần 3% với khối lượng giao dịch lên tới 10 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu giảm một phần liên quan tới khối ngoại bán ròng FPT trong 10 phiên gần đây, tới gần 30 triệu đơn vị cổ phiếu cho dù kết quả kinh doanh quý 2 của FPT được công bố rất khả quan.
Các phiên giao dịch gần đây, như ngày 17/7 khối ngoại bán 3,5 triệu đơn vị với tổng giá trị giao dịch lên tới 458,4 tỷ đồng; Phiên ngày 16/7 khối này bán tiếp 1,1 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 155 tỷ đồng; Phiên 15/7 khối ngoại bán 1 triệu cổ với tổng giá trị giao dịch 133 tỷ đồng…
Đáng chú ý là trong khi khối ngoại liên tục rút ròng, thì diễn biến giao dịch cổ phiếu dường như không liên quan đến kết quả kinh doanh của FPT.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của FPT cho thấy, tập đoàn ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ cũng tăng 22,3% lên 3.672 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.514 đồng/cổ phiếu.
Tính riêng trong quý 2/2024, lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước lên 1.874 tỷ đồng.
Theo báo cáo, mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, 8% về doanh thu, đạt 14.573 tỷ đồng, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ đến từ thị trường Nhật tăng 35,2% và APAC tăng 31,9%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại các thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số. Riêng doanh thu chuyển đổi số trong nửa đầu năm 2024 đạt 6.704 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics, Product Engineering…
Tính chung trong 06 tháng đầu năm 2024, FPT tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 27 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, bằng 2 lần so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương.
Mảng dịch vụ CNTT trong nước ghi nhận doanh thu đạt 3.504 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 17,8%, thúc đẩy bởi những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với khối Chính phủ, bộ ban ngành và thúc đẩy mảng kinh doanh Điện toán đám mây và Trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp trong nước. Hệ sinh thái sản phẩm Made-by-FPT tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận doanh thu 942 tỷ đồng, tăng 47,5% nhờ tính ứng dụng cao cho cả khối Doanh nghiệp lẫn khối Chính phủ. Mảng Dịch vụ viễn thông duy trì mức tăng trưởng bền vững với doanh thu đạt 7.966 tỷ đồng, tăng 7,3% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (gần 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Lý giải đà bán của khối ngoại sau giai đoạn thị giá cổ phiếu FPT không ngừng bứt phá trong giai đoạn vừa qua, có thể thấy trước đó nhóm này đã mua vào mạnh; như vậy đây là động thái chốt lời sau khi giá đã tăng như kỳ vọng. Ngoài ra, trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ trước đó cũng bán mạnh dù có độ trễ nhưng vẫn tác động lên chứng khoán Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù triển vọng kinh doanh của FPT là tích cực tuy nhiên do giá cổ phiếu cũng đã tăng trưởng khá nóng trong thời gian qua, vì vậy thị giá ở thời điểm hiện tại khá sát với mức định giá. Một số Công ty Chứng khoán khuyến nghị FPT ở mức trung lập đối với quan điểm đầu tư dài hạn.