Trong phiên 11/12, có lúc cổ phiếu FPT của CTCP FPT đã đạt 151.700 đồng/CP, tức tăng 1,5% so với tham chiếu, đây là mức cao nhất lịch sử của FPT. Chốt phiên, FPT tăng 0,7%, dừng tại 150.500 đồng/CP. Nếu tính từ đầu năm, mã này đã tăng gần 57%.
Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục đạt hơn 221.395 tỷ đồng (khoảng 8,72 tỷ USD).
Phiên hôm nay, FPT dẫn đầu thị trường về thanh khoản khi ghi nhận giá trị giao dịch hơn 726 tỷ đồng, xếp sau đó là HPG với 474,5 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng FPT mạnh nhất với giá trị gần 82 tỷ.
FPT tăng cao trong bối cảnh ngày hôm qua Tập đoàn FPT và SBI Holdings-tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu Nhật Bản ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, SBI Holdings dự kiến đầu tư lên đến 35% cổ phần Công ty TNHH FPT Smart Cloud Japan – Công ty AI, Cloud mới được FPT thành lập tại thị trường Nhật. Dự kiến quá trình thực hiện hợp đồng đầu tư sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1/2025.
Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ song, “cái bắt tay” này là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự hợp lực giữa hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính, nhằm phát triển, nhà máy AI (AI Factory) và các giải pháp điện toán đám mây tại thị trường Nhật Bản, góp phần đưa Nhật Bản thành quốc gia AI.
Trong báo cáo mới cập nhật về FPT, SSI Research đánh giá cổ phiếu này có thể lên đến 186.300 đồng/CP nhờ động lực từ mảng công nghệ thông tin.
Cụ thể, giữa tháng 11/2024, FPT đã chính thức ra mắt FPT AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản, cùng với công bố hệ sinh thái đối tác với NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data và DDN để thúc đẩy phát triển và vận hành của dự án. SSI Research cho rằng so với cơ sở hạ tầng AI của các đối thủ tại Nhật Bản, FPT AI Factory là một giải pháp toàn diện để phát triển AI từ đầu đến cuối.
Theo FPT, công ty đang nhận đơn đặt hàng trước và đặt mục tiêu dự án sẽ tạo ra doanh thu từ năm 2025, với mục tiêu doanh thu là khoảng 100 triệu USD (công suất hoạt động là 90%), với biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao khoảng 50% và tỷ suất sinh lời nội bộ khoảng 25%. Con số này khả năng sẽ được phân loại vào mảng CNTT trong nước khi ghi nhận dưới công ty FPT Smart Cloud. SSI Research ước tính rằng doanh thu này tương đương khoảng 5% ước tính doanh thu mảng CNTT năm 2024.
Với năm 2025, SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của FPT có thể đạt gần 13.700 tỷ, với động lực chủ yếu nhờ mảng CNTT nước ngoài tiếp đà tăng trưởng và doanh thu từ FPT AI Factory. Sang năm 2026, nhóm phân tích này cho rằng doanh thu và lãi ròng của FPT sẽ lần lượt đạt 91.200 tỷ đồng (tăng 18%) và 12.400 tỷ đồng (tăng 23%). Trong đó, mảng CNTT nước ngoài được kỳ vọng sẽ tiếp tục và trở thành động lực tăng trưởng chính trong dài hạn.
SSI Research lưu ý hiện tại cổ phiếu FPT đang hấp dẫn khi giao dịch tại P/E là 22,3x, với mức tăng trưởng EPS là 27% trong khi P/E trung bình của các công ty công nghệ toàn cầu là 19 lần, với mức tăng trưởng EPS là 11%.