(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chung giao dịch ảm đạm với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng, các cổ phiếu “họ” Viettel đua nhau tỏa sáng với thanh khoản sôi động.
Dư âm của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đã tan biến, thị trường chứng khoán Việt tiếp tục điều chỉnh giảm trong phiên sáng 8/11 sau tín hiệu đảo chiều hồi phục nhẹ đầu phiên, do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip và lan rộng hơn trên bảng điện tử. Chỉ số VN-Index ngày càng lùi xa mốc tham chiếu và tạm dừng phiên sáng ở vùng giá thấp nhất với thanh khoản tiếp tục giảm mạnh.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm. Thậm chí, sau hơn 1 giờ mở cửa, các nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục gia tăng sức ép đã đẩy VN-Index về mốc 1.250 điểm và bật hồi đôi chút về cuối phiên.
Thị trường khép lại phiên giao dịch không mấy khả quan khi chỉ số VN-Index giảm hơn 7 điểm với số mã giảm chiếm áp đảo, gấp đôi số mã tăng, trong đó các nhóm trụ cột và nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chủ yếu chìm trong sắc đỏ. Đồng thời, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp dưới mức 15.000 tỷ đồng.
Trái với diễn biến thị trường chung, nhóm cổ phiếu “họ” Viettel lại có phiên giao dịch khởi sắc. Trong đó, VTP có phiên giao dịch bùng nổ thứ 2 liên tiếp khi có thời điểm chạm trần và đóng cửa ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,5% lên mức giá cao kỷ lục mới tại 108.700 đồng/CP; đồng thời thanh khoản cũng duy trì nhiệt sôi động với xấp xỉ 1,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Một trong những động lực châm ngòi cho đà tăng “bốc đầu” của VTP là HĐQT Công ty vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Động thái nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.
Bên cạnh VTP, cổ phiếu CTR cũng xác nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, đóng cửa phiên 8/11 tại mức giá 131.200 đồng/CP với thanh khoản sôi động hơn khi có 1,21 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cặp đôi còn lại của nhà Viettel là VGI và VTK hiện đang giao dịch trên UPCoM cũng đều ghi nhận đà tăng mạnh. Đóng cửa, VGI tăng 7,4% lên mức 82.800 đồng/CP và khớp lệnh 2,25 triệu đơn vị; còn VTK tăng 13,4% lên mức 72.000 đồng/CP.
Diễn biến tích cực của họ Viettel cũng lan rộng ra nhóm cổ phiếu viễn thông, giúp nhóm này có phiên ngược dòng thị trường chung ghi nhận mức tăng mạnh nhất khi có thêm sự đóng góp của ICT tăng kịch trần 6,8%, CMG tăng 1,32%, FOX tăng 4,75%, TTN tăng 13,1%, ELC, FPT đều tăng nhẹ…
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng ngược dòng thị trường chung nhờ sự dẫn dắt của mã BVH tăng 2,85%, ngoài ra MIG tăng 2,38%, BMI tăng nhẹ 0,5%, ABI tăng gần 2%, trong khi PVI, BIC, PTI giảm nhẹ.
Trái lại, nhóm bất động sản vẫn là nhóm giảm sâu nhất khi chịu sức ép từ VHM giảm tới 3,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 40.000 đồng/CP, ngoài ra, VIC giảm 1,56%, DXG giảm 3,25%, PDR, DIG, HDG, KDH, NLG… đồng loạt điều chỉnh giảm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng lùi sâu hơn phiên sáng khi mã lớn VCB và CTG cùng giảm hơn 1%, đã lấy tổng cộng hơn 2 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu VPB đóng cửa giảm 1% xuống mức 19.500 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 24,42 triệu đơn vị.
Chốt phiên, sàn HOSE có 125 mã tăng và 254 mã giảm, VN-Index giảm 7,19 điểm (-0,57%), xuống 1.252,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 555,5 triệu đơn vị, giá trị 13.911,3 tỷ đồng, cùng tăng hơn 11% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,26 triệu đơn vị, giá trị 1.351,3 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, mặc dù có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu nhưng thiếu sự đồng thuận của nhóm HNX30 đã khiến HNX-Index chưa thể hồi phục.
Đóng cửa, chỉ số HNX-Index giảm 0,62 điểm (-0,27%), xuống 226,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,62 triệu đơn vị, giá trị 786,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 24,71 triệu đơn vị, giá trị 448,84 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận hơn 21,51 triệu đơn vị, giá trị gần 335,6 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm gần 1,5 điểm khi có 16 mã giảm và chỉ 8 mã tăng. Trong đó, VCS tăng tốt nhất là 4%, tiếp theo DTD tăng 2,6% và TNG tăng 1,2%, còn lại chỉ tăng quanh mức 0,5%. Ngược lại, có tới khoảng 1/2 số mã giảm có biên độ hơn 1%, với PLC giảm mạnh nhất là 1,9%, DXP giảm 1,7%.
Cổ phiếu SHS vẫn duy trì đà giảm nhẹ 0,7% xuống mức 14.100 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với hơn 4,15 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, trong khi AMV kết phiên nằm sàn với khối lượng khớp hơn 3,5 triệu đơn vị, thì NRC đã chinh phục sắc tím khi đóng cửa tăng 9,8% lên mức giá trần 4.500 đồng/CP và khớp 2,85 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,18%), xuống 92,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 29,7 triệu đơn vị, giá trị 359 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,57 triệu đơn vị, giá trị 165,35 tỷ đồng, trong đó riêng VCR thỏa thuận gần 4,5 triệu đơn vị, giá trị 93,58 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, các cổ phiếu công nghệ viễn thông nói chung và cổ phiếu họ viettel nói riêng là điểm sáng trên thị trường UPCoM với các mã VGI, TTN, VTK.
Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động khác trên thị trường như BSR khớp 2,15 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,5%; HNG giảm 3,9%, BVB giảm 1,7%, PVX giảm 5,6% đều có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 10 điểm. Trong đó, VN30F2411 giảm 10,7 điểm, tương đương -0,8% xuống 1.324 điểm, khớp lệnh 220.730 đơn vị, khối lượng mở gần 61.590 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVIC2402 sôi động nhất với 4,22 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 37,5% xuống 50 đồng/cq; tiếp theo là CVHM2404 khớp 3,06 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 46,2% xuống 210 đồng/cq.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ho-viettel-nguoc-dong-toa-sang-post357637.html