Chứng khoán BIDV (BSC) nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu Hòa Phát (HPG) với giá trị hợp lý năm 2025 là 37.500 đồng/cp.
Đóng cửa phiên giao dịch 7/11, cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) không đổi tại mức giá 26.950 đồng/cp. Theo Chứng khoán BIDV (BSC), định giá P/B, P/E của HPG đang ở mức thấp so với chu kỳ ngành, trong khi Hòa Phát được dự báo sắp bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG |
Do đó, nhóm phân tích nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để mua cổ phiếu HPG với giá trị hợp lý năm 2025 là 37.500 đồng/cp, cao hơn gần 40% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 7/11. Giá mục tiêu của BSC đã phản ánh triển vọng từ nhà máy Dung Quất 2.
Theo đó, dự án này được dự báo sẽ giúp HPG tăng quy mô lợi nhuận năm 2026 lên gấp 1,2 – 2,4 lần so với năm 2024. Trong trường hợp nhà máy Dung Quất 2 hoạt động ổn định công suất 90%, BSC ước tính lợi nhuận HPG đạt 15.000 – 30.000 tỷ đồng vào năm 2026. BSC cho rằng dự án này sẽ tiêu thụ tốt dựa trên các luận điểm sau:
(1) Chi phí của Hòa Phát đã cạnh tranh được với Trung Quốc. Theo MySteel, chi phí vận chuyển quặng sắt từ Úc, Brazil và than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương. Quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% chi phí sản xuất của lò cao.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn đến từ giá cho thuê khu công nghiệp cùng chi phí nhân công rẻ. Đặc biệt, Việt Nam chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6 – 8% giá thép hiện tại).
(2) Hòa Phát sở hữu hệ thống phân phối lớn trên thị trường nội địa. Trong nước, Hòa Phát đang chiếm khoảng 35 – 40% thị phần thép xây dựng, khoảng 50% đối với thép HRC. Lợi thế về hệ thống đại lý lớn giúp Tập đoàn dễ dàng đẩy sản lượng hơn so với các đối thủ trong nước.
Nguồn: Chứng khoán BIDV |
(3) Kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ thông qua áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với thép HRC từ Trung Quốc trong quý II/2025. Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 – 30/6/2024. Biên độ chống bán phá giá đề nghị là Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
BSC cho rằng có cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra áp thuế CBPG đối với thép HRC từ Trung Quốc. Theo số liệu thu thập được, sản lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8 – 9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần trong giai đoạn năm 2021 – 2022. Các bên liên quan đã gửi lại trả lời câu hỏi cho Bộ Công Thương trong tháng 10. BSC kỳ vọng thời gian sớm nhất để có kết luận sơ bộ và áp thuế CBPG tạm thời là quý II/2025.
Nguồn: Chứng khoán BIDV |
Theo BSC, bản chất thép HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, việc thông qua áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Hòa Phát lấy thêm được thị phần. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ thép HRC của Việt Nam vào khoảng 12 – 13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của Hòa Phát và Formosa (9 triệu tấn/năm). Thị trường Việt Nam đang thiếu 3 – 4 triệu tấn/năm. Do đó, trong trường hợp áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ thông qua, Hòa Phát sẽ chiếm được thị phần từ HRC nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà máy Dung Quất 2 sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá thép và giá nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tại, tỷ lệ chi phí biến đổi/doanh thu của các nhà máy Hòa Phát dao động ở mức 81,5%. Trong trường hợp diễn biến giá thép tương tự nửa đầu năm 2024, BSC ước tính biên lợi nhuận gộp của Dung Quất 2 ở mức 10 – 12%.