Kết phiên giao dịch 10/6, cổ phiếu ACV tăng 5,63% lên mức 121.900 đồng/cp, vượt vùng đỉnh lịch sử từng thiết lập hồi đầu năm 2018.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 10/6, cổ phiếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) tăng 5,63% lên mức 121.900 đồng/cp, vượt vùng đỉnh lịch sử từng thiết lập hồi đầu năm 2018. Vốn hoá qua đó leo lên ngưỡng 265.370 tỷ đồng (~10,4 tỷ USD).
Như vậy, sau hơn 7 năm trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa của “gã khổng lồ” ngành hàng không đã tăng gấp 4,6 lần, vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại trên UPCoM đưa ACV “chễm chệ” ở vị trí thứ 4 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất toàn sàn chứng khoán, vượt qua loạt cái tên “đình đám” như FPT, Hòa Phát (HPG), Vingroup (VIC), Vinamilk (VNM),…
Diễn biến giá cổ phiếu ACV |
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao ACV lập nghiên cứu phương án triển khai giai đoạn 2 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
ACV hiện đang nắm độc quyền cung cấp các dịch vụ hàng không cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam bao gồm 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
Quý I/2024, ACV đã phục vụ 28 triệu lượt khách ở tất cả mạng lưới sân bay của công ty. Đặc biệt, hành khách quốc tế đã tăng 47% so với cùng kỳ lên 10,5 triệu khách, trong khi hành khách nội địa giảm 15% so với cùng kỳ đạt 17,5 triệu khách. Số lượng chuyến bay quốc tế tăng trưởng mạnh (từ sự phục hồi của khách du lịch Trung Quốc) đã giúp số lượng khách du lịch phục hồi trở lại mức trước dịch COVID-19.
Do doanh thu và lợi nhuận từ hành khách quốc tế cao hơn nhiều so với khách nội địa, cộng với việc không còn phải trích lập dự phòng nợ xấu cho các hãng hàng không, ACV đã đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ấn tượng lần lượt là 19% và 78% so với cùng kỳ, lên 5.644 tỷ và 2.921 tỷ đồng. Biên lãi ròng trong quý đầu năm cao ấn tượng, xấp xỉ mức 52%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI kỳ vọng sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024 và 2025 của ACV.
SSI Research ước tính năm 2024, doanh thu đạt 23.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng. Sang năm 2025, tình hình tiếp tục khả quan với doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 17.600 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Nếu đúng kịch bản này, ACV sẽ liên tiếp phá đỉnh lợi nhuận trong 2 năm tới.
Nhóm phân tích đánh giá cao cổ phiếu ACV vì đây được coi là cổ phiếu hưởng lợi chính cho tăng trưởng hàng không và triển vọng tăng trưởng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, với tốc độ CAGR lợi nhuận ròng 5 năm là 20%/năm. Trong 3-6 tháng tới, các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm đà tăng trưởng mạnh nhờ số lượng hành khách tiếp tục phục hồi, giảm các khoản dự phòng liên quan đến các hãng hàng không và ACV được chấp thuận trả cổ tức bằng cổ phiếu đang chờ chi trả từ năm 2019 đến nay.
Dù vậy, SSI vẫn đưa ra lưu ý về dự án sân bay Long Thành, dự án có khả năng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027. Với vốn đầu tư 100 nghìn tỷ đồng và thời gian khấu hao 20 năm, ACV sẽ phải ghi nhận thêm 5.000 tỷ đồng/năm chi phí khấu hao vào năm 2027, nhóm phân tích nhận định điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của ACV trong năm này.
>> Thị giá 3 chữ số, chủ đầu tư sân bay Long Thành vẫn chưa thể hiện thực hoá kế hoạch niêm yết