Đóng cửa phiên giao dịch 1/11, cổ phiếu CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) giảm 1,74% xuống mức 28.200 đồng/cp. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị giá hiện tại của GDA chưa phản ánh giá trị tài sản và vị thế của doanh nghiệp (hiện tại và tương lai).
Diễn biến giá cổ phiếu GDA |
Bên cạnh đó, theo VDSC, trong giai đoạn năm 2025 – 2029, thị trường nội địa sẽ dẫn dắt tăng trưởng (thị trường bất động sản hồi phục, đi cùng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng) với mức tăng trưởng 10%/năm. Trong đó, Rồng Việt kỳ vọng GDA có thể đạt mức tăng trưởng sản lượng nội địa trung bình ở 11%/năm, đến từ việc đưa nhà máy mới vào hoạt động.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo GDA tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, nhà máy sản xuất mới (nhà máy 4) với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2024 và dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động thương mại vào quý II/2026. Tổng công suất của nhà máy 1,2 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 300.000 tấn/năm.
Theo VDSC, trong dài hạn, ngoài tôn mạ xây dựng, công ty có đủ năng lực để tham gia vào thị trường sản xuất thép cho thiết bị công nghiệp – tiềm năng tăng trưởng 2 chữ số và chưa có công ty nội địa có thể tham gia vào.
Riêng cho giai đoạn 1, VDSC kỳ vọng nhà máy sẽ nâng hiệu suất hoạt động lên khoảng 100% trong năm 2028. Qua đó, GDA có thể duy trì thị phần tương đối tốt (chiếm 17% tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường tại năm 2029).
Doanh thu giai đoạn năm 2024 – 2029 dự kiến tăng trưởng với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10,2%.
VDSC phân tích chỉ tiêu tài chính GDA |
Cùng với kỳ vọng chu kỳ giá thép sẽ hồi phục từ năm 2025 trở về sau, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của GDA giai đoạn năm 2024-2029 dự kiến tăng trưởng với mức CAGR đạt 18%.
Qua đó, Chứng khoán Rồng Việt ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu GDA là 38.700 đồng/cp, cao hơn 12% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 1/11.