Chi tiết

Cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo ‘vỗ béo’ tài khoản NĐT, bầu Đức tiếc nuối vì không dám ‘làm liều’

Dabaco, BAF kịp thời mở rộng quy mô chăn nuôi, đón sóng giá thịt heo tăng mạnh. Ngược lại, bầu Đức bày tỏ sự tiếc nuối khi không đặt kế hoạch mở rộng mảng heo ăn chuối và “cài số lùi” cho mục tiêu doanh thu.

Phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo tiếp tục tăng mạnh. Tại thời điểm 14h, BAF (+6,76%), HAG (+6,96%), DBC (+5,57%) kèm thanh khoản lớn gấp 2-3 lần thanh khoản trung bình 20 phiên. BAF và HAG dư mua trần nhiều triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo 'vỗ béo' tài khoản NĐT, bầu Đức tiếc nuối vì không dám 'làm liều'
Nhóm cổ phiếu chăn nuôi heo tăng mạnh trong 1 tháng qua

Trong 1 tháng trở lại đây (từ 19/4 – 17/5), nhóm cổ phiếu này liên tục tăng nóng, “vỗ béo” tài khoản nhà đầu tư, cụ thể: DBC tăng 28%, HAG tăng gần 24%, BAF tăng khoảng 20,4%.

Diễn biến tích cực của nhóm chăn nuôi heo diễn ra trong bối cảnh giá thịt heo tăng mạnh. Cập nhật đến ngày 17/5, giá heo hơi bình quân cả nước hiện nay đang ở mức 64.400 đồng/kg, cao hơn khoảng 14% thời điểm cách đây 2 tháng.

Theo ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính Nông nghiệp BaF, giá heo hơi có xu hướng tiến lên khoảng 70.000 đồng/kg cho đến hết quý II/2024. Hiện tại, thị trường không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá khó giảm được. Diễn biến giá heo hơi tăng được lý giải đến từ nguồn cung. Các công ty chăn nuôi lớn trên thị trường đang phải nhập heo giống với chi phí cao vì ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi.

“Giá heo dù cao cũng không có nguồn cung để mua. Người nông dân hoặc doanh nghiệp muốn tái đàn cần chờ đến tháng 12 mới bán được, vì heo còn phải nuôi. Hiện tại không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, nên giá khó giảm được” – đại diện Nông nghiệp BaF cho biết.

Cổ phiếu nhóm chăn nuôi heo 'vỗ béo' tài khoản NĐT, bầu Đức tiếc nuối vì không dám 'làm liều'
Diễn biến giá thịt heo trong 2 tháng trở lại đây (Dữ liệu từ Feedin)

Bầu Đức tiếc nuối vì không dám “làm liều”

Sở hữu thương hiệu “heo ăn chuối”, nhưng kết quả kinh doanh năm vừa qua không khả quan khiến Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ngừng kế hoạch mở rộng trong năm 2024. Trước việc giá thịt heo hồi phục cực tốt, tại ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bày tỏ tiếc nuối không tăng đàn sớm trong năm 2023.

Năm nay, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu mang về 1.550 tỷ đồng doanh thu từ chăn nuôi heo, giảm 21% so với năm 2023. Bầu Đức chia sẻ, hiện nay công ty đã đầu tư tăng đàn trở lại, cơ sở vật chất, chuồng trại sẵn có, khoảng 4 đến 5 tháng sau sẽ có sản phẩm, tức điểm rơi vào quý IV/2024.

Dabaco và BAF tăng cường mở rộng

Trái ngược với Hoàng Anh Gia Lai, đàn “heo ăn chay” của BAF và “heo ăn cám” của Dabaco (DBC) liên tục được mở rộng.

Cụ thể, BAF dự kiến đưa vào hoạt động 7 dự án trang trại và sẽ khởi công thêm 7 dự án khác (gồm 6 dự án trai trạng chăn nuôi và 1 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi) trong năm nay. Công ty dự kiến sản lượng heo bán ra năm nay gần 610.000 con, gấp 2,1 lần thực hiện năm trước. Tính đến cuối tháng 3, doanh nghiệp đã có tổng đàn gần 430.000 con, tăng 87% so với cùng kỳ.

BAF đặt mục tiêu doanh thu heo thịt và heo giống năm 2024 đạt 3.400 tỷ đồng, gấp 5,6 lần năm 2023.

Về DBC, công ty nhập về 10.000 con lợn giống trong năm 2023 và mới nhập thêm lô mới ngày 24/4 vừa qua. “Trong 28 năm lịch sử hoạt động, chưa bao giờ tập đoàn có năng suất đàn heo cao như hiện nay” – Chủ tịch Dabaco cho biết.

Năm nay, Dabaco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế từ chăn nuôi là 730 tỷ đồng, gấp 29 lần kết quả thực hiện năm 2023.

>> So găng hiệu quả kinh doanh ‘heo ăn chuối’ (HAG), ‘heo ăn chay’ (BAF) và ‘heo ăn cám’ (DBC)

Source link