Chi tiết

Cổ phiếu thủy điện: Lựa chọn hấp dẫn cho chiến lược săn cổ tức

(ĐTCK) Hình thái La Nina được dự báo sẽ hoạt động mạnh từ tháng 8 – 12/2024 và khả năng kéo dài đến tháng 4/2025, điều này sẽ hỗ trợ các nhà máy thuỷ điện hoạt động tích cực hơn so với năm 2023.

Nước về dồi dào, thủy điện được tăng công suất huy động

Theo thông tin từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong tháng 8/2024, do mưa nhiều, sản lượng điện huy động trên hệ thống được tập trung cho thuỷ điện, dẫn tới nhu cầu than cho các hộ điện giảm. Tiêu thụ than tháng 8 nhìn chung chỉ đạt 2,96 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 5,13 triệu tấn than tiêu thụ trong tháng 5 (trước khi thuỷ điện quay lại).

Số liệu mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, sản lượng thuỷ điện được huy động tăng mạnh trong tháng 6 và 7/2024. Riêng tháng 7, sản lượng thuỷ điện đạt 12,27 tỷ kWh, chiếm tới 44% sản lượng huy động toàn hệ thống, vượt qua điện than (ở mức 10,06 tỷ kWh).

Từ tháng 6/2024, lượng nước tích trữ những tháng mùa khô và lượng nước về hồ trong mùa mưa đã tạo điều kiện cho thuỷ điện tham gia nhiều hơn vào hệ thống điện. Với thuỷ văn thuận lợi, thuỷ điện sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những tháng tới, đặc biệt là khi tình hình tài chính của EVN vẫn là thách thức lớn, buộc Tập đoàn phải ưu tiên huy động các nguồn điện có giá thành cạnh tranh để tối ưu chi phí.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VPBankS, hình thái thời tiết La Nina sẽ hoạt động mạnh từ tháng 8 – 12/2024, với xác suất 66 – 74% và khả năng kéo dài đến tháng 4/2025 (với xác suất 44%). Điều này sẽ hỗ trợ các nhà máy thuỷ điện hoạt động tích cực hơn so với năm 2023. Dự báo sản lượng thuỷ điện năm 2024 có thể đạt 84,1 tỷ kWh, tăng 4% so với năm 2023 (dù nửa đầu năm thuỷ văn không thuận lợi).

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Văn Trường, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na (mã HNA) cho biết, từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa mưa nên nước về các hồ chứa sẽ tốt hơn những tháng đầu năm. Điều này giúp sản lượng điện được huy động tại Hủa Na tốt hơn từ tháng 7. Hiện nhà máy đang chạy tối đa công suất.

“Dự kiến điều kiện thuận lợi sẽ được kéo dài đến hết tháng 11. Sang tháng 12, nhà máy sẽ bắt đầu kế hoạch tích nước cho năm sau”, ông Trường nói.

Từ giữa năm nay, hình thái thời tiết La Nina vận động mạnh đã gây mưa nhiều trên khu vực phía Bắc. Đặc biệt, hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) đã gây mưa lũ trên diện rộng các tỉnh phía Bắc, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện lên mức cao kỷ lục, phải mở cửa xả để đưa mực nước trong hồ chứa về mức an toàn. Tuần qua, áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và nhiều nhà máy thủy điện tại khu vực này cũng trong tình trạng phải xả lũ hàng loạt.

Lựa chọn hấp dẫn cho chiến lược săn cổ tức

Với doanh nghiệp thủy điện, kết quả kinh doanh phụ thuộc vào diễn biến của thủy văn, lượng nước về hồ. Sau một năm nhiều khó khăn vì hạn hán, năm nay, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các nhà máy thủy điện đã dễ thở hơn.

Nếu so với các nhóm doanh nghiệp cùng ngành điện, tỷ lệ cổ tức doanh nghiệp thuỷ điện dành cho cổ đông nhìn chung vượt trội hơn.

Dẫu vậy, trên thị trường chứng khoán, thị giá của các cổ phiếu thủy điện hầu như đi đều đi xuống trong 1 – 2 tháng gần đây, theo đà giảm chung của thị trường. Các mã VSH, TMP, TBC, AVC, HNA, DRL, REE… đều chung xu hướng giá giảm, ít thì 3 – 5%, mạnh hơn thì 11 – 13%.

Đặc thù các doanh nghiệp điện là phòng thủ, khá ổn định, bên cạnh việc đầu tư cổ phiếu để đảm bảo an toàn danh mục, việc mua cổ phiếu điện cũng là hình thức đầu tư ăn cổ tức được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Các nhà máy thủy điện thường có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán điện, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng luôn tăng trưởng nên doanh nghiệp thường chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ hấp dẫn và đều đặn.

Chẳng hạn, năm 2023, Công ty cổ phần Thuỷ điện A Vương (mã AVC) chi tới 1.017 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông, với tỷ lệ cổ tức là 135,54% mệnh giá (trong khi kế hoạch ban đầu là tối thiểu 35%). So với thị giá cổ phiếu gần 50.000 đồng/cổ phiếu, mức cổ tức này tương đương tỷ suất hơn 25%, cao hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất ngân hàng.

Tương tự, Công ty cổ phần Thuỷ điện – Điện lực 3 (mã DRL) trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, với tỷ lệ 58%, trong khi kế hoạch ban đầu là 42%. Trên thị trường, giá cổ phiếu đóng cửa năm 2023 của DRL 62.090 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức tạm tính là hơn 9,3%.

Năm 2023, Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã VSH) quyết định trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 30% tiền mặt, tương ứng giá trị gần 709 tỷ đồng. Đầu năm nay, VSH đã trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10%, nhưng do chưa cân đối được dòng tiền nên phải lùi lịch trả cổ tức đợt 2, tỷ lệ 20% từ tháng 3 đến tháng 10/2024.

Vừa qua, VSH thông báo đã cân đối được dòng tiền, nên dời lịch thanh toán cổ tức đợt 2/2023 lên giữa tháng 9. Trên thị trường, thị giá VSH đang có giá 49.600 đồng/cổ phiếu, gấp 2,5 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu.

Các công ty khác trong ngành cũng có mức cổ tức khá hấp dẫn, như Thuỷ điện Thác Mơ (mã TMP) trả cổ tức năm 2023 ở mức 79,83%, Thuỷ điện Nước Trong (mã NTH) chi cổ tức 45%, Thuỷ điện Thác Bà ở mức 20% và Thuỷ điện Hủa Na là 10%, toàn bộ là tiền mặt…

Năm nay, đa số các doanh nghiệp đều dự kiến trả cổ tức tỷ lệ thấp hơn năm trước, trong đó, NTH dự kiến mức 30%, DRL kế hoạch 40%, HNA và AVC dự kiến là 10%, TMP và VSH lần lượt là 20% và tối thiểu 15%.

Nhưng nhìn chung, đây vẫn là những con số đáng kỳ vọng. Đặc biệt, khả năng cao các doanh nghiệp này sẽ chi trả vượt kế hoạch nếu tình hình kinh doanh tích cực như lịch sử các năm trước.

Nếu so với các nhóm doanh nghiệp cùng ngành điện, tỷ lệ cổ tức doanh nghiệp thuỷ điện dành cho cổ đông nhìn chung vượt trội hơn. Rõ ràng, nhà đầu tư đã chấp nhận mức giá cổ phiếu cao gấp nhiều lần giá trị ghi sổ đối với những doanh nghiệp thuỷ điện chịu chi và đây vẫn là nhóm được các nhà đầu tư theo đuổi chiến lược săn cổ tức tìm đến.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-thuy-dien-lua-chon-hap-dan-cho-chien-luoc-san-co-tuc-post354316.html