Chi tiết

Cổ phiếu tốt nhưng phản ứng thị trường chưa tích cực, có đáng lo?

Trong tuần này, với cao điểm công bố kết quả kinh doanh, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank đặt kỳ vọng trước hết ở nhóm ngân hàng lớn sẽ ra kết quả kinh doanh (KQKD) tăng trưởng tích cực so với nền thấp cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn hút nguồn lực thị trường và
Cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng, NĐT được khuyến nghị tầm nhìn trung hạn. Ảnh minh họa

Theo ông Sơn, thời gian vừa qua diễn biến giá nhóm ngân hàng đã phản ánh điều này, dù vậy, việc công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng sẽ hỗ trợ tích cực cổ phiếu trung và dài hạn.

Theo số liệu 207 doanh nghiệp đã công bố BCTC thì lợi nhuận giảm khoảng 9,3% so với quý liền trước, nhóm chứng khoán có mức giảm 35,8% so với quý liền trước. Sự sụt giảm này là do diễn biến thị trường không quá thuận lợi, cho vay margin trong giai đoạn vừa rồi tăng nhưng lợi nhuận tự doanh kém đi.

“Một số doanh nghiệp ra KQKD đột biến nhưng cổ phiếu chỉ tăng 2 – 3%, điều đó cho thấy nhà đầu tư tương đối thận trọng với thông tin về kết quả kinh doanh.

Đối với ngân hàng, nếu có kết quả kinh doanh tốt thì có thể có nhịp tăng tiếp theo. Song, đến thời điểm hiện nay, nhóm ngân hàng cũng đã lên đến tiệm cận ngưỡng cản mạnh. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời nhóm này và chờ thị trường điều chỉnh để mua vào cho nhịp tăng mới”, ông Sơn nhận định về diễn biến cổ phiếu quanh việc đón nhận kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tại các nhóm ngành.

Ghi nhận tại phiên giao dịch sáng ngày 22/10, sự phân hóa cũng thể hiện trong cách thức nhà đầu tư phản ứng với thông tin về KDKD đối với nhóm “trụ” ngân hàng, khi nhóm này ngân hàng đã hút mạnh dòng tiền thời gian qua. LPB, ngân hàng đầu tiên công bố KQKD với tăng trưởng ngoạn mục ghi nhận giảm điểm. Tương tự nhóm kéo chỉ số, còn có VIB, SSB, và một số ngân hàng ước dự báo có KQKD tăng trưởng tốt nhờ tăng trưởng tín dụng trong quý BID, VPB, CTG, VCB…. VIB hôm nay đã công bố KQKD với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 6.600 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. SSB trong khi đó, công bố đạt lợi nhuận trước thuế 9 tháng 4.508 tỷ đồng, tăng 1.352 tỷ đồng tương đương 43% so với cùng kỳ năm 2023. Chiều ngược lại, một số mã bank như MSB, EIB vẫn tích cực xanh đóng góp cho lực đỡ chỉ số.

Chuyên gia của VPBankS cũng cho rằng, với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực mà thị trường chưa phản ứng tích cực theo giá cổ phiếu, thì nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm nắm giữ với tầm nhìn trung hạn.

“Trong giai đoạn vừa rồi, nhà đầu tư không cầm cổ phiếu ngân hàng thì hiệu quả thấp, thậm chí lỗ. Trong mùa BCTC vừa rồi, rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản (BĐS) rất yếu. Thậm chí, có cổ phiếu bật tăng vài phiên song sau đó quay lại xu hướng lình xình. Mặc dù không có thông tin ảnh hưởng rõ ràng nhưng có những thông tin âm thầm khiến nhiều cổ phiếu BĐS đang trong xu hướng đi xuống. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đón nhận KQKD tốt như công nghệ hay thép, song cổ phiếu cũng tăng rất nhẹ.

Tôi cho rằng điều này có thể được lý giải bởi khẩu vị đầu tư có sự khác biệt, nhà đầu tư gần như dồn toàn bộ thanh khoản cho nhóm ngân hàng nên các nhóm các cổ phiếu khác không đón nhận dòng tiền. Hoặc là cổ phiếu đã tăng rất nóng trước đó, KQKD quý III tăng trưởng tích cực phần nào làm hợp lý hóa đà tăng nóng của cổ phiếu giai đoạn trước, FPT là một ví dụ”, ông Sơn chia sẻ trong chương trình “Khớp lệnh”, đồng thời nhấn mạnh nhìn vào tương lai, yếu tố kết quả kinh doanh tốt sẽ củng cố đà tăng giá cổ phiếu trong trung và dài hạn. Một ví dụ điển hình là cổ phiếu HPG tạo đỉnh và đáy rất bám sát với kết quả kinh doanh.

Theo đánh giá chung của giới phân tích, KQKD quý III/2024 của các DNNY có thể sẽ không phải là thông tin có tính lực đẩy lớn đối với tăng trưởng thị trường và giá cổ phiếu, khi câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận cao từ so sánh nền thấp của cùng kỳ năm trước của một số nhóm ngành đã giảm hiệu ứng. Nhìn chung KQKD của các DNNY quý III không hẳn đều có sự phản ánh ngay vào giá cổ phiếu mà cần xem xét trong triển vọng tăng trưởng chung, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền vẫn “nằm im” thận trọng chờ đợi các diễn biến rõ ràng hơn trên thị trường.

Nhìn nhận thị trường với dự báo KQKD, khối phân tích SSI Research cho biết, trong ngắn hạn, cho cả 2 quý cuối năm, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 21,7% trong 6 tháng cuối năm 2024; tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 6,2% trong 6 tháng đầu năm.

Cho cả năm 2024, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSI Research được dự báo sẽ tăng 15,5% và tiếp tục tăng 19,6% trong 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành, theo SSI Research.


Source link