(ĐTCK) Cùng với câu chuyện giá cước vận tải tăng cao, nhóm cổ phiếu vận tải biển đã hút tiền và bật tăng khá mạnh trong gần 2 tháng trở lại đây, vượt trội so với chỉ số VN-Index.
Giá cước vận tải tuyến nội Á cùng lên với giá cước vận tải toàn cầu
Gần đây, cổ phiếu vận tải biển nổi sóng, liên tục hút dòng tiền và bật tăng, thống kê từ ngày 19/4 đến ngày 14/6, cổ phiếu CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã VOS – sàn HOSE) đã tăng 85,4%, từ 9.900 đồng lên 18.350 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH – sàn HOSE) đã tăng 26,1%, từ 38.050 đồng lên 48.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT – sàn HOSE) đã tăng 25,2%, từ 24.200 đồng lên 30.300 đồng/cổ phiếu (cùng thời gian chỉ số VN-Index chỉ tăng 8,9%).
Đà tăng của nhóm cổ phiếu vận tải đến từ kỳ vọng giá cước vận tải thế giới tăng cao, sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải nội địa hưởng lợi như giai đoạn năm 2021 – 2022.
Thực thế, từ ngày 25/4 đến 13/6, chỉ số World Container Index (8 tuyến vận tải chính trên thế giới) đã tăng 77,4%, lên 4.801 USD/container 40ft. Nếu nhìn rộng từ đáy ngày 23/11/2023 tới nay, giá cước vận tải thế giới đã tăng 247%. Trong đó, đà tăng mạnh đến từ các tuyến như Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan); Thượng Hải đến Los Angeles (Mỹ); Thượng Hải đến Genoa (Italy); Thượng Hải đến New York (Mỹ) …
Diễn biến tăng nóng |
Việc giá cước vận tải thế giới tăng cao do sự kết hợp giữa nhu cầu gia tăng và năng lực hạn chế. Mặc dù mức tăng giá có thể không đạt đến mức cực đoan như thời đại đại dịch, nhưng rất có thể vẫn có thể tác động đáng kể đến thị trường.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc bắt đầu vận chuyển hàng hóa do người mua phương Tây đặt hàng vào dịp Giáng sinh và năm mới vào tháng 7. Tuy nhiên, mọi việc đang trở nên rắc rối hơn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng trước kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa trị giá 18 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm xe điện, linh kiện pin và pin mặt trời. Mặc dù các mức thuế này vẫn chưa có hiệu lực, nhưng thông báo này đã thúc đẩy các nhà xuất nhập khẩu hành động nhanh chóng để tránh thuế cao.
Ngoài ra, bất ổn tại khu vực Biển Đỏ dẫn tới tình trạng nhiều hãng tàu phải chọn hành trình dài hơn, cũng dẫn tới tình trạng thiếu tàu và giá cước tăng lên.
Tuy nhiên, các tuyến nội địa và nội Á, phạm vi chính mà các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam hoạt động có mức tăng khiêm tốn hơn nhiều.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho biết, do giá cước các tuyến liên lục địa (châu Á/châu Âu, châu Á/Mỹ) và một số tuyến từ Bắc Á đi Ấn Độ và các nước vùng vịnh tăng mạnh, nên giá cước bình quân của các tuyến nội Á mà công ty này đang hoạt động (Hải Phòng/Nam Trung Quốc; Hải Phòng/Singapore; Hải Phòng/Ấn Độ…) cũng tăng khoảng 10% trong 1 tháng trở lại đây. Riêng tuyến nội địa do thừa tàu từ cuối năm 2023 đến nay nên giá cước vẫn rất thấp, ví dụ giá cước hiện nay trên tuyến HCM/HPH chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/container 20ft, chỉ bằng 30% so với giá cước bình quân của năm 2022.
Có thể thấy, dù có mức tăng khiêm tốn, thậm chí giá cước nội địa ở mức thấp, với việc cải thiện giá cước trong hơn 1 tháng trở lại đây, cũng là dấu hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp vận tải nội địa, là cơ sở để kỳ vọng bức tranh lợi nhuận cải thiện nửa cuối năm 2024.
Lợi nhuận nửa cuối năm 2024 sẽ cải thiện đáng kể
Trong quý I/2024, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải có sự phân hóa, trong đó hoạt động vận tải dầu/hoá chất của PVTrans có kết quả kinh doanh tích cực và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh. Ngược lại, đối với vận hàng hàng rời như Hải An và Vosco ghi nhận kết quả kinh doanh chưa khởi sắc, mới có dấu hiệu tăng doanh thu.
Kết quả kinh doanh quý I/2024 của nhóm vận tải biển |
Tuy nhiên, với đà tăng của giá cước vận tải gần đây, các công ty chứng khoán đều có nhận định lạc quan về triển vọng nhóm vận tải biển nửa cuối năm 2024.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tiếp tục phục hồi khi những chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu “thẩm thấu”, hoạt động thương mại khu vực châu Á dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2024 và giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu.
Tương tự, SSI Research cũng đánh giá tích cực về ngành vận tải, trong đó với Hải An, các chuyên gia phân tích của SSI cho biết, việc giá cước neo cao trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng tích cực các hợp đồng cho thuê tàu định hạn sẽ hết hạn hợp đồng từ quý IV/2024 trở đi, cũng như giá cước giao ngay trên các tuyến nội địa vẫn chưa phục hồi mạnh kể từ đầu năm 2024.
SSI dự báo, doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của HAH lần lượt đạt 3.000 tỷ đồng (+15% so với năm trước) và 377 tỷ đồng (-2,1%). Lợi nhuận của HAH sẽ phục hồi so với quý trước từ quý II/2024 do giá cước thuận lợi và tăng trưởng nhu cầu gần đây được phản ánh trong dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 4 và tháng giữa tháng 5.
Được biết, tính tới thời điểm hiện tại, đội tàu của Hải An là 14 tàu, trong đó có 3 tàu đóng mới đã nhận từ tháng 12/2023, tháng 4/2024 và tháng 6/2024. Hải An cho biết, Công ty tự khai thác 8 tàu, đang cho thuê 6 tàu, trong đó có hai tàu được đầu tư trên cơ sở hợp tác với Công ty Anbien Shipping Lines là tàu “Anbien Bay” mua năm 2022 và “Anbien Sky” tàu đóng mới đã nhận và cho thuê từ 01/6/2024.
“Theo dự đoán của hầu hết các tổ chức nghiên cứu thị trường, 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm của xuất nhập khẩu và logistics, tuy nhiên những căng thẳng về địa chính trị, ảnh hưởng về lạm phát… vẫn còn tồn tại, nên giá cước trên các tuyến liên lục địa dự đoán vẫn được neo ở mức cao, nhờ đó giá cước trên các tuyến nội Á, giá thuê tàu… cũng tiếp tục được cải thiện. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh đội tàu của Hải An chắc chắn sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm”, lãnh đạo Hải An cho biết.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-van-tai-bien-bat-tang-theo-gia-cuoc-post347510.html