Giá cước liên lục địa tăng nóng, nhưng giá cước tuyến nội Á và nội địa tăng không đáng kể
(ĐTCK) Giá cước vận tải biển tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngành này, với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Cổ phiếu “chạy” trước tình hình kinh doanh
Áp lực đánh thuế của châu Âu với xe điện của Trung Quốc, đồng thời lo ngại các biện pháp trả đũa của Trung Quốc lên lĩnh vực nông nghiệp (đầu tiên là thịt lợn nhập khẩu) đã thúc đẩy động cơ tích trữ hàng hoá trước các lệnh áp thuế qua lại, đẩy lưu lượng hàng hoá và giá cước liên lục địa tăng cao, bên cạnh yếu tố bất ổn ở biển Đỏ.
Theo thống kê của Drewry, từ ngày 25/4 đến 13/6/2024, chỉ số World Container Index về 8 tuyến vận tải chính trên thế giới tăng 77,4%, lên 4.801 USD/container 40ft. Tính từ ngày 23/11/2023 tới nay, giá cước vận tải thế giới tăng 247%. Trong đó, đà tăng mạnh nhất là các tuyến từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Rotterdam (Hà Lan), Los Angeles và New York (Mỹ), Genoa (Italy).
Khi giá cước vận tải liên lục địa tăng cao, nhà đầu tư kỳ vọng, thời kỳ hoàng kim của doanh nghiệp vận tải hàng rời trong nước năm 2021 – 2022 sẽ quay trở lại, nên đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngành này, nâng cao định giá của cổ phiếu.
Từ ngày 19/4 đến 18/6/2024, chỉ số VN-Index tăng 8,9%, nhưng cổ phiếu VOS của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) tăng 94,9%, từ 9.900 đồng/cổ phiếu lên 19.300 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu HAH của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An) tăng 29,6%, từ 38.050 đồng/cổ phiếu lên 49.300 đồng/cổ phiếu…
Mặc dù giá cổ phiếu tăng cao, nhưng tình hình kinh doanh của nhóm vận tải hàng rời chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng và ở mức thấp so với giai đoạn thuận lợi năm 2021 – 2022.
Quý I/2024, Vosco ghi nhận doanh thu tăng 111,4% so với quý I/2023, lên 1.097,45 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 5,8%, lên 82,96 tỷ đồng, hoàn thành 24,3% kế hoạch năm 2024. Trước đó, giai đoạn 2021 – 2022, mức lãi hàng quý của Vosco từ 55 – 260 tỷ đồng.
Tại Hải An, trong quý I/2024, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023, lên 704,1 tỷ đồng, còn lợi nhuận giảm 50,2%, về 59,29 tỷ đồng, hoàn thành 20,4% kế hoạch năm 2024. Giai đoạn thuận lợi năm 2021 – 2022, mức lãi hàng quý của Hải An từ 85,5 – 324,4 tỷ đồng.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ sáng hơn nửa cuối năm 2024
Giá cước vận tải liên lục địa tăng cao, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, thời kỳ hoàng kim của doanh nghiệp vận tải hàng rời trong nước năm 2021 – 2022 sẽ quay trở lại, nhưng kỳ vọng này không dễ trở thành hiện thực.
Lãnh đạo Hải An cho biết, do giá cước các tuyến liên lục địa (châu Á/châu Âu, châu Á/Mỹ) và một số tuyến từ Bắc Á đi Ấn Độ, các nước vùng Vịnh tăng mạnh, nên giá cước bình quân của các tuyến nội Á mà Công ty đang hoạt động (Hải Phòng – Nam Trung Quốc, Hải Phòng – Singapore, Hải Phòng – Ấn Độ…) tăng khoảng 10% trong 1 tháng trở lại đây. Riêng tuyến nội địa do thừa tàu từ cuối năm 2023 đến nay nên giá cước vẫn rất thấp, như giá cước tuyến TP.HCM – Hải Phòng chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/container 20ft, bằng 30% so với giá cước bình quân năm 2022.
Nhìn chung, các doanh nghiệp vận tải hàng rời đang niêm yết chủ yếu hoạt động tuyến nội Á và trong nước, nên giá cước liên lục địa tăng nóng nhưng giá cước tuyến nội Á tăng không đáng kể, không giống như giai đoạn bùng nổ trên diện rộng năm 2021 – 2022 (năm 2021, giá cước tàu biển tăng do dịch Covid-19 và tình trạng thiếu container rỗng; năm 2022, giá cước tăng do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine).
Tại Hải An, tính tới cuối năm 2023, Công ty khai thác 12 tàu và đầu năm 2024 nhận thêm 2 tàu mới, trong đó tự khai thác 8 chiếc và cho thuê 6 chiếc. Với việc tự khai thác phần lớn đội tàu và các tàu nhận mới gần đây (tháng 12/2023 và tháng 4, tháng 6/2024) trùng với giai đoạn giá cước bật tăng, đây là cơ sở để kỳ vọng Hải An cải thiện hiệu quả vận hành so với giai đoạn “vùng trũng” năm 2023. Nhưng do chủ yếu vận chuyển tuyến nội địa, nội Á, nên giá cước tăng chậm, trong khi doanh nghiệp chịu thêm áp lực chi phí lãi vay từ việc nhận 3 tàu mới trong 6 tháng qua.
Đối với Vosco, đơn vị này sở hữu và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 460.000 DWT, gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 3 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container.
Các tàu hàng khô chủ yếu khai thác thị trường nội địa, Đông Nam Á, Trung Quốc, Đông Bắc Á, tham gia xuất nhập khẩu và chạy nội địa dạng spot (bốc hàng ngay), kết hợp cho thuê định hạn; các tàu dầu sản phẩm hoạt động theo dạng tự khai thác kết hợp cho thuê định hạn trên khu vực Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á; tàu container tập trung khai thác tuyến nội địa và tuyến Bắc Trung Quốc – Đông Nam Á.
Có thể thấy, tương tự Hải An, Vosco chủ yếu khai thác tuyến nội địa, nội Á. Ngoài ra, đội tàu của Vosco có lịch sử đầu tư từ lâu, quy mô tàu nhỏ, có dấu hiệu lỗi thời so với các hãng tàu khác liên tục đầu tư tàu mới để trẻ hoá đội tàu và xu hướng khách hàng đang ưa thích sử dụng các tàu có thân lớn, sức chứa cao nên không dễ cạnh tranh, nhất là đối với các hãng tàu quốc tế.
Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Trâm, chuyên viên cao cấp lĩnh vực cảng biển tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận xét: “Đối với nhóm vận tải biển, hầu hết các công ty trên sàn đang hoạt động theo hình thức vận chuyển nội địa hoặc cho thuê định hạn ở khu vực nội Á, vì vậy khi giá cước liên lục địa tăng, tác động tới nhóm doanh nghiệp này sẽ không quá lớn như các hãng tàu quốc tế khai thác tuyến liên lục địa”.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Tiên Phong đánh giá, áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt, nhu cầu tại thị trường Trung Quốc phục hồi khi những chính sách hỗ trợ kinh tế bắt đầu “thẩm thấu”, hoạt động thương mại khu vực châu Á dự báo sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2024 và giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu.
Công ty Chứng khoán SSI cũng có đánh giá tích cực về ngành vận tải biển nói chung và Hải An nói riêng. Theo SSI, việc giá cước neo cao trong thời gian dài hơn có tác động tốt tới các hợp đồng cho thuê tàu định hạn của Hải An sẽ hết hạn từ quý IV/2024 trở đi, trong khi giá cước giao ngay trên các tuyến nội địa chưa phục hồi mạnh kể từ đầu năm 2024.
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Hải An kỳ vọng: “Theo dự đoán của hầu hết các tổ chức nghiên cứu thị trường, 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm của xuất nhập khẩu và logistics. Bên cạnh đó, những căng thẳng về địa chính trị, ảnh hưởng bởi lạm phát… trên toàn cầu vẫn còn tồn tại, nên giá cước trên các tuyến liên lục địa dự đoán neo ở mức cao. Nhờ đó, giá cước trên các tuyến nội Á, giá thuê tàu tiếp tục được cải thiện. Kết quả kinh doanh đội tàu của Hải An chắc chắn sẽ tốt hơn so với 6 tháng đầu năm”.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-van-tai-bien-thu-hut-dong-tien-post348019.html