Hưởng lợi từ giá cước vận tải cũng như lãi bán tàu cho đối tác ngoại, cổ phiếu VOS của Vosco đã đưa cổ đông đi từ niềm vui này đến sung sướng khác chỉ trong vài tháng.
Pha “đánh lên” sau gần 3 năm
Câu chuyện về tắc nghẽn dòng chảy thương mại toàn cầu do tình hình xung đột tại một số khu vực gây gián đoạn chuỗi cung ứng; nhiều hãng tàu bị “mắc kẹt” tại cảng container tại Singapore trong tình trạng tắc nghẽn nhiều tháng qua đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao.
Vosco tạm xếp đầu nhóm doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán trong quý II/2024 |
Cùng với đó, việc manh nha thông tin lãi đột biến trong quý II/2024 nhờ thương vụ bán tàu cho đối tác châu Âu đã đưa cổ đông Vosco đi hết từ niềm vui này đến sung sướng khác.
Thực tế, chỉ trong vòng 2,5 tháng, cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam – Vosco (sàn HoSE) đã tăng tới 120% từ mức chỉ 10.000 đồng/cp lên sát 22.000 đồng/cp (cao nhất sau 27 tháng). Trong cùng thời điểm, thanh khoản cổ phiếu VOS cũng tăng mạnh lên ngưỡng cao nhất lịch sử niêm yết, đạt trung bình gần 5 triệu đơn vị/phiên.
Cần nhấn mạnh, sau 3 năm, con sóng tăng giá của cổ phiếu VOS với quay trở lại. Có thể coi đây là động thái “IPO” ở cổ phiếu vận tải biển này kể từ nửa sau năm 2021 khi VOS nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung đồng loạt tăng mạnh và hướng lên các mức đỉnh lịch sử.
Sau hơn 3 năm (kể từ đầu tháng 6/2021 tới nay), trong khi VOS đã tăng hơn 360% giá trị thì VN-Index lại quay đầu giảm 6,8% và đóng phiên 16/7/2024 gần mức 1.282 điểm.
Lãi quý II tăng hơn 26.000%
Trước khi quý III bắt đầu, Công ty Chứng khoán Smartinvest (AAS) từng nhấn mạnh, lợi nhuận quý II/2024 của Vosco có thể đạt gần 500 tỷ đồng – gấp khoảng 500 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Đột biến ở dự báo này là việc trong tháng 5, công ty đã bán Tàu Đại Minh cho đối tác Hy Lạp với giá 15.850 USD. Nếu bán toàn bộ, khoản lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng sẽ được tính vào kết quả kinh doanh quý II.
Thực tế, dù kết quả ghi nhận không được như mong muốn song con số ghi nhận tại báo cáo tài chính vừa công bố vẫn đủ để giúp Vosco tạm xếp đầu trong nhóm doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất sàn chứng khoán trong quý II/2024.
Cụ thể, doanh nghiệp vận tải biển này đạt doanh thu thuần quý II/2024 hơn 1.870 tỷ đồng – tăng 79,6% so với cùng kỳ. Nhờ ghi nhận khoản “thu nhập khác” tăng gần 393 tỷ từ bán tàu nên sau cùng, công ty báo lãi sau thuế tới 283,9 tỷ đồng – tăng 262 lần YoY (+26.100%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vosco mang về 2.965 tỷ đồng doanh thu (hoạt động vận tải biển đóng góp hơn 40% tỷ trọng với 1.187 tỷ đồng, còn lại 1.778 tỷ đến từ lĩnh vực thương mại và dịch vụ).
Sau trừ thuế phí, công ty đạt 358,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – tăng 384% YoY. Các kết quả này cũng giúp doanh nghiệp vượt luôn kế hoạch cả năm.
Kế hoạch kinh doanh 4 năm gần nhất của Vosco |
Định giá chưa quá đắt, phe cầm cổ rục rịch chốt lời
Cùng với đà tăng giá, tính đến cuối tháng 6/2024, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Vosco tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.560 đồng/cp.
Với mức này, P/E điều chỉnh về mức hơn 7,3 lần so với mức gần 18 lần ghi nhận tại thời điểm cuối quý I. Theo đó, giá trị ghi sổ/cổ phiếu tăng lên mức 14.314 đồng và P/B giảm về mức 1,3 lần, thấp hơn mức 1,6 lần của quý I và mức 3,6 lần của trung bình nhóm ngành “hàng và dịch vụ công nghiệp” (nguồn: Dữ liệu phân tích của TCBS).
Với mức định giá chưa quá đắt, một số công ty chứng khoán vẫn đánh giá tiềm năng đối với một số cổ phiếu nhóm vận tải biển. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu VOS đang chịu áp lực chốt lời mạnh sau nhịp bứt tốc vừa qua.
Chinh phục bất thành mức 22.500 đồng trong phiên 9/7, cổ phiếu Vosco quay đầu giảm 5/6 phiên gần nhất. Thậm chí phiên 16/7, mã giảm 5,7% (có lúc giảm sàn) về mốc 20.000 đồng. Trong số 6 triệu cổ phiếu được sang tay, gần 66% được thực hiện bởi phe bán chủ động.
Tin ra là bán, không chỉ riêng VOS, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, BMP của Nhựa Bình Minh, MCH của Masan Consumer… cũng chịu áp lực chốt lời vùng cao.
Diễn biến giá một số cổ phiếu từ đầu năm 2023 tới nay |