>>> Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – 68 năm phát triển bền vững cùng đất nước
PLX – cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE), doanh nghiệp giữ thị phần bán lẻ lớn nhất trong cả nước đã dứt mạch xanh ở phiên giao dịch cuối cùng trong tuần ngày 12/7, nhưng vẫn giữ thị giá mức cao tại 46.300đ/cp. PLX đã có đà thẳng tiến 7/10 phiên kể từ đầu tháng 7 đến nay, tăng khoảng 30% trong vòng 2 tháng qua. Sắc xanh rực rỡ của cổ phiếu bán lẻ xăng dầu phản ánh những lợi thế và khả năng hưởng lợi từ dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 17/11/2023. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tương tự là OIL (PV Oil) của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UpCOM), đã có thị giá đạt tăng trưởng đến hơn 50% lên vùng giá cao nhất trong hơn 2 năm, chốt 14.500đ/cp tại 12/7.
Đánh giá về tác động của dự thảo Nghị định sửa đổi lần 3, các chuyên gia khối phân tích của CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, nhìn chung môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh xăng dầu.
Về cơ bản, các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu (trừ nhà máy lọc dầu) được phân loại thành 3 nhóm: (1) thương nhân đầu mối, (2) thương nhân phân phối và (3) thương nhân bán lẻ. Lưu ý rằng thương nhân đầu mối có thể có kênh phân phối và bán lẻ riêng (đây là trường hợp phổ biến).
“Chúng tôi nhận thấy Nghị định mới sẽ củng cố lợi thế của thương nhân đầu mối và sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp chiếm ưu thế trong nhóm này (PLX, OIL) về tiềm năng gia tăng thị phần và biên lợi nhuận”, MSVN phân tích.
>>> Petrolimex kiến nghị sớm ban hành Nghị định kinh doanh xăng dầu mới
Các lợi thế được thể hiện gồm: Thứ nhất, Nghị định vẫn duy trì quy định chỉ các thương nhân đầu mối được phép mua xăng dầu trực tiếp từ nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giá bán từ các thương nhân đầu mối này cho các thương nhân phân phối/bán lẻ không được luật hóa và hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa các bên tham gia. Nói cách khác, thương nhân đầu mối vẫn duy trì được quyền định đoạt việc phân chia biên lợi nhuận trong chuỗi giá trị.
Thứ hai, các thương nhân phân phối sẽ phải mua xăng dầu trực tiếp từ thương nhân đầu mối và không còn được phép mua chéo từ các thương nhân phân phối khác.
Thứ ba, Nghị định yêu cầu các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các thương nhân bán lẻ dẫn đến làm yếu đi vị thế của nhóm này trong chuỗi giá trị so với các thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối.
Thứ tư, tuy nhiên, Nghị định mới cũng muốn tăng số ngày dự trữ xăng dầu từ 20 lên 30 ngày, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, nhưng không ảnh hưởng đến tương quan lợi thế cạnh tranh của các thương nhân đầu mối trong toàn bộ chuỗi giá trị.
“Nếu không có những sửa đổi đáng kể so với dự thảo ban đầu, chúng tôi cho rằng tinh thần của Nghị định mới sẽ cải thiện cách vận hành giá bán lẻ đồng thời giảm sự phân mảnh và có lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu mối có quy mô lớn”, chuyên gia MSVN nêu.
Đáng chú ý tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4. Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước mà doanh nghiệp (đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên những dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Song, giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2%. Tuy nhiên, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát. Bộ Công Thương cho rằng, việc thay đổi này xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước.
Ngoài ra, theo căn cứ tại dự thảo, Bộ Công Thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng một lít hoặc 4-20%) mà sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, lợi nhuận định mức vẫn là 300 đồng một lít/ kg xăng dầu.
“Tổng chi phí kinh doanh và Lợi nhuận định mức tối đa trong dự thảo cao hơn mức hiện tại” được xem là một trong những lợi thế cho doanh nghiệp xăng dầu quy mô lớn, theo Chứng khoán ACB (ACBS).
CTCK này cũng nhận định dự thảo sửa đổi có nhiều điểm hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, ví dụ như Petrolimex, về dài hạn. Trong đó, việc có kho chứa xăng dầu lớn nhất, vị trí cây xăng thuận lợi và thương hiệu là lợi thế cạnh tranh lớn của Petrolimex, theo ACBS.
Trên thị trường theo ước tính, hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Petrolimex và PVOil nắm giữ khoảng gần 70% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa, trong đó, Petrolimex dẫn đầu với thị phần 50% cùng 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. PV Oil xếp thứ 2 với thị phần 18% cùng 700 cửa hàng trực thuộc.
Năm 2024, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu 188.000 tỷ (-31.4% n/n); lợi nhuận trước thuế 2.900 tỷ (-26,2% n/n); Sản lượng xăng dầu bán ra 13.033.200 (-9,5% n/n) và cổ tức: 1.000/ cp. Kế hoạch này theo ACBS là khá thận trọng khi mà với kết quả quý I/2024, PLX đã hoàn thành 49,7% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy dự phóng kết quả kinh doanh quý II/2024 của PLX có thể kém khả quan so với quý I/2024, song nhóm phân tích vẫn dự phóng cho cả năm 2024, doanh thu PLX có thể đạt 289.614 tỷ (+5,6% n/n) và lợi nhuận ròng 3.797 tỷ đồng (+35% n/n), cao hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch của doanh nghiệp.
Bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF, ACBS định giá PLX với giá mục tiêu đến cuối 2025 là 46.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng tỷ suất lợi nhuận 11,8%. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường và sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với “nhiên liệu chính sách” kỳ vọng có thể tiếp cho nhóm xăng dầu đầu mối, PLX trên thị trường hiện tại đã được giao dịch đến mức giá mục tiêu của 1 năm sau.
Đánh giá của bạn: